Nhãn lồng Hưng Yên có thể xuất khẩu
Hưng Yên là tỉnh có đặc sản nhãn lồng nổi tiếng trong cả nước. Hiện, toàn tỉnh có 4.000ha nhãn tập trung, năm 2007, sản lượng đạt 40.000 tấn. Từ năm 2006 đến nay, nhãn liên tục được mùa, được giá. Tuy nhiên, nhãn Hưng Yên vẫn chủ yếu được tiêu thụ trong nước hoặc xuất khẩu qua đường tiểu ngạch.
TS Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam cho biết: Các chuyên gia Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đã đến viện làm việc và đặt vấn đề: Sau trái thanh long, Hoa Kỳ đang muốn nhập nhãn và chôm chôm của Việt Nam. Tuy nhiên, để vào thị trường Hoa Kỳ, hai loại trái cây này phải đạt chứng nhận Global GAP (chứng nhận toàn cầu về quy trình sản xuất an toàn và truy nguyên được nguồn gốc).
“Ngay bây giờ, các địa phương và HTX phải chủ động liên hệ với viện, đề nghị hỗ trợ thực hiện quy trình Global GAP. Việc đưa hai loại trái cây này vào Hoa Kỳ nhanh hay chậm là do nông dân quyết định. Đây là cơ hội “vàng” không phải lúc nào cũng có, nên cần nắm bắt ngay mới được”, TS. Châu nói.
Trong Hội nghị khách hàng mùa nhãn năm 2008 vừa được tổ chức, bà Doris Becker, cố vấn của Tổ chức Hợp tác kỹ thuật Việt - Đức (GTZ), đơn vị giúp HTX nhãn lồng Hồng Nam (thị xã Hưng Yên) trong việc xây dựng thương hiệu sản phẩm khẳng định, nhãn lồng Hưng Yên có thể xuất khẩu. Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Thanh Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quốc gia khẳng định: “Những năm tới, nhãn lồng Hưng Yên sẽ có mặt trên thị trường thế giới. Để làm được điều này, tỉnh cần thành lập thêm nhiều HTX chuyên sản xuất kinh doanh nhãn làm ăn có hiệu quả để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Các cơ quan chức năng cần nghiên cứu để kéo dài thời gian thu hoạch nhãn từ 1 tháng như hiện nay lên 3 tháng”.
Tuy nhiên, muốn xuất khẩu nhãn sang thị trường Hoa Kỳ và thị trường châu âu, nhãn Hưng Yên phải có được chứng nhận châu âu (Eurep GAP) và chứng nhận toàn cầu (Global GAP) về canh tác nông nghiệp tốt, an toàn. Theo đó, muốn có được chứng nhận Global GAP, người trồng nhãn phải thoả mãn 141 yêu cầu và thực hiện đúng theo 236 điều kiện của quy trình chăm sóc, thu hoạch, bảo quản... mà Global GAP đặt ra.
Những vướng mắc cần tháo gỡ
Hưng Yên có vùng nhãn tập trung 4.000ha với một số giống đạt chất lượng cao như nhãn đường phèn, nhãn Hương Chi, nhãn cùi. Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cũng đã công nhận nhãn hiệu tập thể mang tên: “Nhãn lồng Hưng Yên, hương vị tiến vua”. Sản phẩm nhãn Hưng Yên cũng đã có mặt tại một số siêu thị trên cả nước. Người trồng nhãn ở đây bước đầu có tư duy sản xuất hàng hoá.
Tuy nhiên, hiện nay chỉ có một số hộ nông dân được Viện Nghiên cứu Rau quả Trung ương hướng dẫn thực hiện sản xuất nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP, chứ chưa nói đến chứng nhận Eurep GAP hay Global GAP. Còn lại đa số người dân vẫn chỉ chăm sóc, thu hoạch, bảo quản bằng kinh nghiệm truyền thống. “Mới có một HTX duy nhất ở Hưng Yên có cách trồng nhãn chuyên nghiệp là HTX nhãn lồng Hồng Nam, trong khi đó nhu cầu của thị trường rất cao”, ông Lâm cho biết. Đây chính là những khó khăn cần tháo gỡ để nhãn Hưng Yên có thể tiếp cận thị trường Hoa Kỳ.
Sản xuất nhãn hàng hóa theo tiêu chuẩn VietGap
Từ đầu năm 2008 đến nay, người trồng nhãn ở Hưng Yên đã được Viện Nghiên cứu Rau quả Trung ương và Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hưng Yên hướng dẫn trồng, chăm sóc, thu hoạch nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP. Chương trình được thực hiện tại 8 xã thuộc thị xã Hưng Yên và huyện Tiên Lữ.
Dưới đây là một số kỹ thuật cơ bản:
Vườn nhãn: Được trồng trên đất phù sa cổ, tầng canh tác tối thiểu 1m; lên luống cao hơn mặt vườn 30 – 50cm; có hệ thống thoát nước tốt; trồng trung bình 8 – 10 cây/sào Bắc Bộ (360m2), trồng thâm canh có thể lên 16 – 18 cây/sào.
Chăm sóc: Sử dụng các loại sản phẩm phân hữu cơ, phân hữu cơ sinh học, phân vi sinh... để bón cho cây. Ngâm ủ hạt ngô, hạt đậu tương với lân, phân NPK... để tưới cho cây.
Phun thuốc bảo vệ thực vật đúng quy trình kỹ thuật, chủ yếu sử dụng các loại thuốc trừ sâu sinh học, thuốc có thời gian cách ly ngắn để đảm bảo sản phẩm đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.
Lập sổ theo dõi, ghi chép nhật ký bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật... ở từng giai đoạn.
Cắt tỉa cành, tỉa quả để vừa đảm bảo năng suất, vừa đảm bảo chất lượng.
 

Nguồn: Internet