Còn gần 2 tháng nữa mới kết thúc năm 2014 nhưng kim ngạch XK đã đạt gần 90% kế hoạch. Theo dự báo của Bộ Công Thương, năm 2014 kim ngạch XNK sẽ đạt khoảng 300 tỷ USD, xuất siêu có thể đạt 1,5 tỷ USD, vượt xa so với con số Quốc hội giao hồi đầu năm (nhập siêu 9 tỷ USD).
Tính đến thời điểm hiện tại, Mỹ vẫn là thị trường XK lớn nhất của Việt Nam chiếm tỷ trọng 19%, tăng 20%, tiếp theo là EU tăng 12,8% và chiếm tỷ trọng 18,4%; XK vào ASEAN tăng 0,5% và chiếm tỷ trọng 12,6%; XK vào Nhật Bản tăng 10,9% và chiếm tỷ trọng 10%; XK vào Trung Quốc tăng 16,2% và chiếm tỷ trọng 10,1%.
Lực kéo từ khối DN FDI
Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, XK tháng 10 đạt 13,2 tỷ USD, tăng 4,5% so với tháng 9 và tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng, kim ngạch XK ước đạt 123,1 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2013, trong đó kim ngạch XK của khu vực DN 100% vốn trong nước ước đạt 40,6 tỷ USD, chiếm 33% tổng kim ngạch XK của cả nước, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước.
Theo dõi quá trình XK những năm gần đây thì thấy rằng, bức tranh XK của Việt Nam có một số điểm đáng lưu ý. Trước tiên, một vài năm trở lại đây, XK của nhóm hàng công nghiệp chế biến vẫn giữ vai trò quan trọng góp phần vào tăng trưởng kim ngạch XK chung. Trong 10 tháng năm 2014, XK hàng công nghiệp chế biến ước đạt gần 89,4 tỷ USD, chiếm 72,6% trong tổng kim ngạch XK, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2013, tương đương với tăng gần 11 tỷ USD. Những mặt hàng có kim ngạch XK tăng là thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng 34,4%, hóa chất tăng 65%; sản phẩm hóa chất tăng 18,1%; chất dẻo nguyên liệu tăng 12,6%; sản phẩm chất dẻo tăng 12,7%; túi xách, vali, mũ, ô dù tăng 35,9%...
Một yếu tố không thể không nhắc đến là sự đóng góp của khối DN FDI. Cụ thể, kim ngạch XK của các DN FDI (kể cả dầu thô) ước đạt 82,5 tỷ USD, chiếm 67% tổng kim ngạch XK của cả nước, tăng 13,6% so với cùng kỳ. Tỷ trọng của khối DN FDI vẫn được duy trì ở mức trên 60% trong suốt thời gian qua. Các mặt hàng có sự đóng góp chủ yếu của các DN FDI gồm điện thoại các loại và linh kiện (chiếm 99,6% tổng kim ngạch mặt hàng này của cả nước); máy vi tính linh kiện và điện tử (98,7%); giày dép (76,7%); hàng dệt may (59,6%); máy ảnh (96,5%). Như vậy, so sánh tương quan giữa 40,6 tỷ USD của khối DN trong nước và 82,5 tỷ USD của DN FDI để thấy rằng, lực kéo cho XK thời gian qua vẫn phụ thuộc vào chính khối DN FDI.
Cuối cùng, XK của khối DN trong nước đạt mức tăng trưởng khá (12,9%), cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng 3,2% của 10 tháng năm 2013. “Đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy sự phục hồi và phát triển sản xuất, XK của các DN trong nước”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận định.
Theo dự báo của Bộ Công Thương, XK năm 2015 dù vẫn duy trì mức tăng 10%, ước đạt 163 tỷ USD, nhưng do phải NK nhiều hơn, nên dự kiến trong năm 2015 Việt Nam sẽ phải nhập siêu từ 6 đến 8 tỷ USD.
Xuất siêu lập kỷ lục
Trong khi XK 10 tháng tăng 13,4% so với cùng kỳ thì NK cũng duy trì mức tăng trưởng trên 11% với kim ngạch đạt 121,2 tỷ USD. Do mức tăng của NK chậm hơn XK nên cán cân thương mại thặng dư 1,9 tỷ USD. Kết quả này có được theo đánh giá của Bộ Công Thương là do XK vẫn duy trì nhịp độ tăng, đồng thời các biện pháp hạn chế NK đã phát huy tác dụng. Cụ thể, NK nhóm hàng cần NK ước đạt 107,1 tỷ USD, tăng 10,8% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 88,4% kim ngạch NK, chủ yếu tập trung vào nhóm các mặt hàng là nguyên liệu cho sản xuất. Nhóm hàng cần kiểm soát và hạn chế NK vẫn đang được kiểm soát, lần lượt là 5,1 tỷ USD, tăng 14,2% và 4,8 tỷ USD giảm 4,5% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, kim ngạch NK một số nhóm hàng như điện thoại di động, ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ cũng có mức tăng khá cao so với cùng kỳ. Các mặt hàng như linh kiện phụ tùng ô tô, điện thoại di động có mức tăng tương đối cao nhưng hiện cũng đang được kiểm soát tốt (dưới 30%).
Còn gần 2 tháng nữa mới kết thúc năm 2014 nhưng với đà tăng trưởng XNK như hiện nay, Bộ Công Thương dự kiến, đến hết năm 2014, XK của Việt Nam sẽ đạt khoảng 148 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2013 và cao hơn mục tiêu 10% do Quốc hội đề ra. Cùng với đó, NK cả năm sẽ đạt khoảng 146,5 tỷ USD. Như vậy, xuất siêu sẽ tiếp tục duy trì trong năm nay với mức 1,5 tỷ USD.
Tuy nhiên, để đạt được kết quả như dự kiến, ông Hải yêu cầu, các đơn vị thuộc Bộ tiếp tục thực hiện các giải pháp đẩy mạnh XK thông qua việc tìm kiếm thị trường XK mới. Cụ thể, Vụ Thị trường nước ngoài phối hợp Cục Xúc tiến thương mại, Cục XNK tập trung nghiên cứu, tìm kiếm các thị trường mới cho các sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam, trong đó lưu ý tập trung phát triển các thị trường tiềm năng tại châu Phi, Trung Đông và Mỹ La Tinh…; Cục XNK chủ trì, phối hợp với Vụ Thị trường ngoài nước sớm hoàn thiện Đề án “Thúc đẩy XK mặt hàng nông sản, thủy sản sang Liên bang Nga”; tiếp tục nghiên cứu các giải pháp góp phần thúc đẩy công tác XK gạo sang các thị trường truyền thống và các thị trường mới...
Nguồn: Báo Hải quan