(VINANET) – Tháng 10/2014, Việt Nam đã nhập khẩu trên 400 nghìn tấn, trị giá 142,1 triệu USD, giảm 7,8% về lượng và giảm 7,6% về trị giá so với tháng trước đó, tính chung từ đầu năm cho đến hết tháng 10/2014, Việt Nam đã nhập khẩu 3,3 triệu tấn phân bón các loại, trị giá trên 1 tỷ USD, giảm 14,18% về lượng và giảm 24,41% về trị giá so với cùng kỳ năm 2013.

Việt Nam nhập khẩu phân bón từ 16 thị trường trên thế giới, trong đó Trung Quốc là nguồn cung chính, chiếm trên 52% tổng lượng phân bón nhập khẩu, tương đương với 1,7 triệu tấn, trị giá 560,3 triệu USD, tuy nhiên so với cùng kỳ năm 2013, thì nhập khẩu phân bón từ thị trường Trung Quốc lại giảm cả về lượng và trị giá, giảm 14,72% về lượng và giảm 20,34% về trị giá.

Nguồn cung lớn thứ hai là thị trường Nga với 357,9 nghìn tấn, trị giá 131,2 triệu USD, tăng 60,07% về lượng và tăng 28,85% về trị giá so với cùng kỳ.

Đứng thứ ba về lượng nhập khẩu là thị trường Nhật Bản, chiếm 7,58%, tương đương với 241,6 nghìn tấn, trị giá 36,7 triệu USD, tăng 0,45% về lượng nhưng giảm 21,46% về trị giá so với 10 tháng năm 2013.

Nhìn chung, từ đầu năm cho đến hết tháng 10/2014, lượng phân bón nhập khẩu đều giảm ở hầu khắp các thị trường, số thị trường này chiếm 56,25%  và nhập khẩu từ thị trường Philippin giảm mạnh nhất, giảm 98,16%, tương đương với 4,9 nghìn tấn.

Thị trường nhập khẩu phân bón 10 tháng 2014

Lượng phân bón nhập khẩu giảm từ sau khi Bộ Tài chính quyết định tăng thuế nhập khẩu phân bón từ 3 lên 6%, lượng phân bón nhập khẩu trong tháng 10 đã sụt giảm so với trước  dù nhiều địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã bước vào sản xuất vụ đông xuân 2014-2015.

Lý giải nguyên nhân khiến lượng phân bón nhập khẩu giảm, Giám đốc doanh nghiệp Minh Đăng (Cần Thơ )- đơn vị chuyên kinh doanh phân bón, vật tư nông nghiệp - cho biết tăng thuế là một trong những nguyên nhân khiến lượng phân bón nhập khẩu giảm trở lại.

Ví dụ, trước đây phân urê Trung Quốc nhập khẩu về có thuế suất 3% sẽ được bán ngang giá với urê trong nước. Nhưng nay thuế nhập khẩu tăng lên 6%, nghĩa là giá bán sẽ tăng thêm tương ứng nên cạnh tranh không lại so với phân urê trong nước, nhập khẩu giảm là tất nhiên.

Ngoài ra, theo chủ đại lý kinh doanh phân bón Hai Chiến (đại lý cấp 1) tại huyện Cai Lậy, Tiền Giang, thời điểm từ cuối tháng 9 đến nửa đầu tháng 10-2014 do nhiều địa phương ở ĐBSCL tạm ngưng sản xuất để đón lũ về, nhu cầu sử dụng phân bón giảm nên cũng dẫn đến lượng phân nhập khẩu về giảm theo.

Ng.Hương

Nguồn: Vinanet/Số liệu thống kê sơ bộ của TCHQ Việt Nam

Nguồn: Vinanet