Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Thương mại Hàn Quốc (KITA), trong 5 tháng đầu năm 2021, Hàn Quốc nhập khẩu trái chuối (mã HS 0803) đạt 155,3 nghìn tấn, trị giá 131,5 triệu USD, tăng 3,4% về lượng và tăng 8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Giá trái chuối (mã HS 0803) nhập khẩu bình quân đạt 846,3 USD/tấn, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2020.
THỊ TRƯỜNG CÒN NHIỀU DƯ ĐỊA
Chuối là loại trái cây ưa chuộng tại Hàn Quốc và là sản phẩm mà Hàn Quốc phải nhập khẩu gần như 100% do điều kiện canh tác không thuận lợi.
Hiện nay, Philippines là nhà cung cấp chuối lớn nhất cho thị trường Hàn Quốc, chiếm với tỷ trọng 75,8% tổng lượng chuối nhập khẩu của Hàn Quốc.
Trong 5 tháng đầu năm 2021, Hàn Quốc nhập khẩu 117,7 nghìn tấn chuối của Philippines, trị giá 100,3 triệu USD, tăng 1,9% về lượng và tăng 6,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Trong khi đó, Việt Nam chỉ xếp thứ 6 về cung cấp chuối cho Hàn Quốc với khối lượng nhập khẩu vào Hàn Quốc trong 5 tháng đầu năm 2021 đạt 2,9 nghìn tấn, trị giá 2,3 triệu USD, tăng 13,6% về lượng, tăng 48,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Giá chuối nhập khẩu bình quân từ Việt Nam ở mức thấp, đạt 791,6 USD/tấn. Tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 1,9% tổng lượng chuối nhập khẩu của Hàn Quốc.

Bà Vũ Việt Nga, Phó Trưởng Phòng Đông Bắc Á & Nam Thái Bình Dương, Vụ Thị trường châu Á-châu Phi (Bộ Công Thương), cho biết chuối là một trong 5 loại trái cây (chuối, dừa, dứa, xoài và thanh long ruột trắng) của Việt Nam mà Hàn Quốc chấp nhận cho xuất khẩu vào thị trường này.
Chuối là loại trái cây được người Hàn Quốc ưa chuộng nhiều nhất. Chuối được phân phối theo từng nải, có dán nhãn thông tin, đóng gói theo bao bì túi. Toàn bộ chuối nhập khẩu vào Hàn Quốc đều qua kênh phân phối là chợ đầu mối, siêu thị lớn (tỷ lệ 50%).
Tuy nhiên hiện nay, 95% chuối Việt Nam được phân phối qua chợ đầu mối còn qua hệ thống siêu thị rất nhỏ. Tháng 7/2020, chuối Việt Nam lần đầu tiên được bày bán tại siêu thị iMart của Hàn Quốc.
CẢI THIỆN MẪU MÃ, CHẤT LƯỢNG ĐỂ CẠNH TRANH
Lãnh đạo Vụ Thị trường châu Á-châu Phi cũng thừa nhận rằng hiện nay sản lượng chuối Việt Nam nhập khẩu vào Hàn Quốc đang có sự tăng trưởng thấp. "Nếu chúng ta không có sự thay đổi về mẫu mã cũng như cải thiện về chất lượng sản phẩm thì khó có triển vọng tăng mức tiêu thụ do nhu cầu tương đối bão hoà".
Phía Hàn Quốc đánh giá mặt hàng chuối Việt Nam có nhiều ưu thế vì thuế quan nhập khẩu thấp do hưởng ưu đãi từ hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA). Bên cạnh đó, lợi thế từ địa lý gần Hàn Quốc. Việt Nam lại có khả năng chuyển đổi vùng sản xuất nhỏ sang sản xuất chuối lớn hơn, chuyên biệt trong thời gian tới.
"Việt Nam có nhiều lợi thế tăng thị phần tại thị trường Hàn Quốc, do có ưu thế thuế quan nhập khẩu thấp nhờ được hưởng lợi từ Hiệp định VKFTA. Tuy nhiên, trái chuối của Việt Nam hiện phải cạnh tranh với trái chuối Philippines -thị trường cung cấp chuối lớn nhất cho Hàn Quốc", đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết.

Chúng ta còn nhiều dư địa để tăng lượng xuất khẩu chuối vào thị trường Hàn Quốc. Nhưng thách thức là phải cạnh tranh với Phillipines, vì họ có kinh nghiệm lâu nay, lợi thế về giống, chất lượng. Do đó, Việt Nam cần chuyển đổi giống, học tập cách thức để nâng cao thời gian bảo quản.

Do đó, để nâng cao thị phần trái chuối tại Hàn Quốc, theo Cục Xuất nhập khẩu, Việt Nam phải tuân thủ quy định hệ thống danh mục thuốc bảo vệ thực vật mới của Hàn Quốc (PLS) áp dụng từ năm 2019. Hệ thống này quy định các chất bảo vệ thực vật được phép sử dụng và hàm lượng tồn dư tối đa trên rau quả, trái cây nhập khẩu.
Theo bà Nga, để tăng tính cạnh tranh, quả chuối Việt Nam cần cải thiện đặc tính sản phẩm, giảm chi phí logistics, thời gian bảo quản lưu trữ sản phẩm. Trái chuối Philippines được đánh giá là có ưu điểm vượt trội hơn so với trái chuối Việt Nam bởi mẫu mã to và đẹp.
Cũng theo đại diện Vụ Thị trường châu Á-châu Phi, để nâng cao thị phần tại Hàn Quốc, các sản phẩm trái cây tươi cần có chiến lược đúng đắn, phù hợp hơn với từng loại sản phẩm riêng biệt. Riêng với trái chuối, tuy có lợi thế ngắn hạn về giá cả nhưng về lâu dài cần duy trì sản phẩm chất lượng cao, cần có hệ thống quản lý sản xuất quy mô lớn để nâng cao khả năng cạnh tranh về giá, chất lượng sản phẩm.
Bên cạnh đó, cần duy trì sản lượng ổn định khi cung cấp hàng vào các siêu thị là vấn đề cấp thiết. Ngoài ra, Chính phủ cần có chính sách thu hút các công ty toàn cầu đầu tư quy mô lớn, chuyên môn hoá, tổ chức nông trại để sản xuất sản lượng lớn.

Nguồn: Vũ Khuê/VnEconomy