Tại Hội thảo của Dự án Hỗ trợ Thương mại Đa biên của Liên minh châu Âu tổ chức tại Đà Nẵng (4/4) đã phân tích tác động từ việc gia nhập tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đến kinh tế và xã hội Việt Nam.

Theo đánh giá của Dự án, năm 2007 là một năm tương đối thành công với Việt Nam. Điều này được thể hiện thông qua tốc độ GDP tăng trưởng mạnh, khả năng thu hút vốn, sự phát triển khu vực tư nhân, giảm nghèo…Tuy nhiên, Việt Nam đã phải đối mặt với không ít khó khăn khi mà lạm phát tăng ở mức hai con số, thâm hụt cán cân thương mại cao, cơ sở hạ tầng quá tải, thiếu lao động lành nghề và ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng.

Sau hơn 1 năm gia nhập WTO đã tạo động lực cho Việt Nam đẩy nhanh quá trình cải cách thể chế theo hướng minh bạch, phù hợp với các quy tắc kinh tế thị trường, tạo môi trường kinh doanh hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài, nâng cao được năng lực cạnh tranh của các ngành kinh tế và doanh nghiệp trong nước…Nhưng Việt Nam cũng phải đối mặt với rất nhiều tác động tiêu cực bởi môi trường kinh doanh ngày càng gay gắt, rủi ro thương mại xuất nhập khẩu nhiều hơn, khoảng cách giữa các ngành, vùng cách biệt ngày càng tăng…Điều này gây thách thức lớn đối với quản lý vĩ mô và vi mô trong quá trình quản lý và điều hành.

Theo đó, các chuyên gia nghiên cứu đã đưa ra 17 khuyến nghị chính sách đối với các nhà quản lý, trong đó tập trung nhiều vào việc đẩy nhanh công tác cải cách hệ thống pháp lý cho phù hợp với các quy tắc của WTO; tập trung cải thiện kết cấu hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, dịch vụ hành chính, dịch vụ công; khai thác các lợi thế cạnh tranh hiện có trong công nông nghiệp để tạo lợi thế cạnh tranh nhằm nâng cao vị thế của Việt Nam trong mạng lưới sản xuất và thị trường quốc tế…

(VnMedia)

Nguồn: Vinanet