Phát biểu tại buổi gặp gỡ và đối thoại với Tham tán Thương mại Việt Nam tại thị trường châu Phi -Trung Đông và Nam Á vừa được tổ chức tại TP.HCM, các địa biểu đều chung nhận định: cơ hội cho hàng XK của Việt Nam tại thị trường Ả-rập Xê-út là rất lớn.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Ả-rập Xê-út và qua khảo sát thị trường các chủng loại hàng hóa tại các hệ thống bán lẻ của nước này thì chỉ trừ một số mặt hàng bị cấm NK do yếu tố tôn giáo, hầu hết hàng hóa thuộc các chủng loại và xuất xứ từ các nơi đều đã có mặt tại đây.

Tính về khu vực, châu Á là đối tác NK lớn nhất của Ả-rập Xê-út, chiếm 32% tổng kim ngạch NK, tiếp đến là EU, châu Mỹ, các nước Vùng Vịnh…

Hiện, chủng loại hàng hóa sản xuất tại Việt Nam rất phù hợp với nhu cầu NK của nước này như các nhóm hàng tiêu dùng gồm nông sản, hàng dệt may, chế biến thực phẩm, vật liệu xây dựng. Trong đó, nhóm hàng nông sản và vật liệu xây dựng của Việt Nam có thể đẩy mạnh XK trong thời gian tới. Bởi ngành nông nghiệp của Ả-rập Xê-út kém phát triển do thiếu nước (chủ yếu nước sinh hoạt và nước dùng cho nông nghiệp phải lọc từ nước biển) nên vừa qua, Quốc vương Ả- rập Xê –út đã có sáng kiến đầu tư nông nghiệp ra nước ngoài và chọn Việt Nam là một trong những đối tác hợp tác về nông nghiệp. Đây chính là thuận lợi lớn cho hàng nông sản của Việt Nam.

Đối với mặt hàng vật liệu xây dựng, do Ả-rập Xê-út dành ngân sách đầu tư rất lớn phát triển cơ sở hạ tầng trong những năm sắp tới, đặc biệt khối tư nhân cũng tham gia mạnh vào việc đầu tư cơ sở hạ tầng, nhà ở trong nước nên cơ hội cho DN Việt Nam liên doanh với DN Ả-rập Xê-út sẽ mở rộng và dễ dàng hơn. 

Thêm một yếu tố thuận lợi nữa là, nếu như trước đây, các DN Ả-rập Xê-út đã có truyền thống  xây dựng nhà máy và liên kết kinh doanh sản xuất, NK hàng hóa từ Trung Quốc, thì những năm gần đây, DN Ả-rập Xê-út ít lựa chọn hàng hoá Trung Quốc hơn. 

Vì vậy, các DN Ả-rập Xê-út đã chuyển hướng sang nhập hàng từ các thị trường khác có lợi thế cạnh tranh về một số mặt hàng tương đồng, trong đó có Việt Nam. 

Ả-rập Xê-út là một trong những nước có mức thuế thấp nhất trên thế giới do nguồn thu ngân sách chính là từ dầu mỏ. Thuế hải quan mức 5% đánh vào tất cả các mặt hàng NK. Ngoài ra, ở đây không có thuế thu nhập cá nhân, không có thuế giá trị gia tăng.

Một yếu tố thuận lợi nữa cũng không kém phần quan trọng, đó là do tình hình bất ổn vừa qua tại Trung Đông, Ả-rập Xê-út đã thực hiện chính sách Hướng Đông, tăng cường trao đổi thương mại với châu Á. 

Ngoài ra, người dân nước này sẵn có thiện cảm với Việt Nam, và hiện nay đang có nhu cầu sang Việt Nam vừa đi du lịch, vừa kết hợp xúc tiến thương mại. 

Hiện tại, kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Ả- rập Xê út đang tăng mạnh. Trong đó, kim ngạch XNK của 2 nước năm nay dự kiến đạt 1,1 tỷ USD, trong đó Việt Nam XK dự kiến đạt 250 triệu USD, tăng gần 74% so với năm 2010, NK đạt 850 triệu USD.

Để đẩy mạnh quá trình tham gia vào phân khúc thị trường này, không những phải biết tận dụng những yếu tố thuận lợi trên, theo ông Nguyễn Quốc Hải- cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Ả- rập Xê-út, các DN Việt Nam cần phải nắm rõ phong tục tập quán của người dân nước này; nắm vững các thông tin về DN, có nội dung trao đổi cụ thể, cập nhật thông tin về môi trường kinh doanh, thay đổi về chính sách thương mại…; xây dựng các phương pháp khảo sát thị trường; tận dụng tối đa các kênh thông tin với các Phòng Thương mại và công nghiệp Ả- rập Xê-út.

Đồng thời, cần xây dựng các đầu mối, kênh liên hệ (thông qua gặp gỡ, tiếp xúc tại chiêu đãi ngoại giao, hội thảo, diễn đàn…). Việc xây dựng và duy trì mối quan hệ cá nhân với người chủ chốt là yếu tố then chốt của thành công.

Các DN Việt Nam cần nghiên cứu khả năng liên doanh với đối tác Ả- rập Xê-út đầu tư nhà máy tại nước này để sản xuất hàng tiêu dùng, kết hợp lợi thế cạnh tranh về nhân công (đưa từ Việt Nam sang), các cơ chế ưu đãi phía Ả-rập Xê-út dành cho nhà đầu tư (cho vay vốn đầu tư không tính lãi, miễn thuế, cấp đất…) và tận dụng nguồn nguyên liệu đầu vào mà nước này có thế mạnh.

Nguồn: Hải quan Việt Nam