Theo Bộ Công Thương, thời gian qua quan hệ kinh tế- thương mại giữa Việt Nam và Cô-Oét phát triển tốt đẹp nhưng do thị trường Cô-Oét nhỏ nên kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này không lớn. Những năm qua, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu từ Cô-Oét xăng dầu, hoá chất và phân bón với khối lượng lớn. Đây là những mặt hàng có thế mạnh của thị trường này. Năm 2008, kim ngạch buôn bán hai chiều đạt 117 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu 40 triệu USD và nhập khẩu 77 triệu USD. 9 tháng năm 2009, trao đổi thương mại hai chiều đạt 45 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu đạt 30,5 triệu USD và nhập khẩu 14,5 triệu USD. Sở dĩ kim ngạch thời gian này thấp là do Việt Nam không nhập khẩu sản phẩm xăng dầu vì hai bên chưa thống nhất xong về tiêu chuẩn quy cách sản phẩm. Ngược lại, các sản phẩm Việt Nam xuất khẩu sang Cô-Oét chủ yếu là sữa, hải sản, sản phẩm gỗ và dệt may.

Tại kỳ họp lần này, hai bên đã tập trung nghiên cứu khả năng hợp tác bảo đảm an ninh lương thực và năng lượng hai nước, theo đó, Việt Nam đảm bảo cung cấp ổn định lương thực, thực phẩm cho Cô-Oét và Cô-Oét cũng đảm bảo cung cấp ổn định dầu thô, các sản phẩm xăng dầu cho Việt Nam. Tới đây, Việt Nam cần đẩy mạnh chương trình xúc tiến đầu tư để giới thiệu chính sách, môi trường, danh mục các dự án đầu tư của Cô-Oét và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước này sang đầu tư tại Việt Nam trong các dự án cơ sở hạ tầng, các dự án về dầu khí, năng lượng, dịch vụ chất lượng cao, cảng biển, sân bay, điện, sản phẩm hoá dầu, khu đô thị, khu công nghiệp là những thế mạnh tiềm năng mà cả phía Việt Nam cần tranh thủ tận dụng. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đề nghị Cô-Oét thông qua Quỹ phát triển kinh tế Ả- Rập tiếp tục tài trợ cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn và thuỷ lợi của Việt Nam. Đặc biệt, hai bên cần tăng cường trao đổi thông tin nhằm xúc tiến thương mại sản phẩm nông lâm, thuỷ sản, nhất là những mặt hàng Việt Nam có thế mạnh như gạo, cà phê, thuỷ sản...

Nguồn: Vinanet