Kể từ ngày 29/7/2014, toàn bộ hàng hóa có nguồn gốc động vật, thực vật và thủy sản khi nhập khẩu vào Mexico phải tuân theo quy định mới của đất nước này về kiểm dịch.

“Các DN xuất khẩu của VN cần đặc biệt lưu ý vấn đề này, nhất là các DN đang xuất khẩu gạo và cá tra từ sang Mexico” – ông Hoàng Tuấn Việt, tham tán thương mại Việt Nam tại Mexico cho phóng viên Báo Công thương biết.

Theo thông báo của Tổng cục quản lý Vệ sinh, An toàn và Chất lượng Thực phẩm quốc gia (SENASICA) Mexico, quy định mới này nhằm giảm thiểu rủi ro đối với vấn đề vệ sinh hoặc sự an toàn của hàng hóa nhập khẩu vào Mexico. Quy định mới có thể áp dụng một hoặc kết hợp các biện pháp sau:

Thứ nhất, tiến hành kiểm tra thú y về động vật, kiểm dịch thực vật, nuôi trồng thủy sản và cá tại bất kỳ địa điểm và thời gian nào, hoặc tại nơi xuất xứ (nước xuất khẩu) hoặc địa điểm nhập khẩu (Mexico).

Thứ hai, hàng hóa phải được đóng trong hộp, túi và bao bì mới, không có côn trùng và không có dấu hiệu của bệnh. Nhãn hiệu hàng hóa phải phù hợp với thông tin hàng hóa.

Thứ ba, nếu hàng hóa đóng bao, túi, gói, hộp và thùng carton, phải được đặt trên pallets trong container. Phải làm vệ sinh sạch sẽ cả trong và ngoài container, không có tàn dư chất hữu cơ. Container phải được trang thiết bị làm mát và hệ thống chống dòng chảy.

Hiện tại các doanh nghiệp Việt Nam đang xuất khẩu vào Mexico hai mặt hàng chính là gạo (đóng trong bao PP - polypropylene) và cá tra (đóng trong bao PE - polyethylene, đựng trong trong thùng carton giấy), xếp trực tiếp vào containers không có pallets.

“Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Mexico đề nghị các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước thực hiện quy định trên của phía Mexico, đồng thời tính toán lại giá xuất khẩu, do phát sinh chi phí pallets (gỗ hoặc plastic)” – ông Việt nhắn nhủ tới các doanh nghiệp và cho biết: nếu có bất cứ khúc mắc gì hãy liên hệ với Thương vụ Việt Nam tại Mexico, hoặc Cục Bảo vệ thực vật và Cục Quản lý Chất lượng Nông - Lâm sản và Thủy sản, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam.

Nguồn: Báo Công Thương điện tử

Nguồn: Vinanet