Các công ty đa quốc gia đang có xu hướng chuyển đổi đơn vị gia công từ Trung Quốc sang các quốc gia khác. Theo nhiều chuyên gia, đây là cơ hội của Việt Nam.
Tận dụng việc chuyển đổi nguồn gia công từ Trung Quốc
Ngày 17/10, tại hội nghị về Thu mua – Sản xuất – Bán lẻ & Phân phối tại thị trường Việt Nam do Vietnam Supply Chain tổ chức, các diễn giả là những chuyên gia kinh tế, những nhà quản trị quốc tế đều có nhận định chung là ngành gia công Việt Nam đang có cơ hội lớn để trở thành trung tâm của các công ty đa quốc gia.
 Ông Jonas Franceschina, giám đốc khu vực Đông Nam Á của Sourcing Agent IntercoopHG cho là hiện đang có xu hướng dịch chuyển nguồn gia công từ Trung Quốc sang Việt Nam, việc PUMA vừa dời trung tâm thiết kế từ Trung Quốc về Việt Nam là ví dụ cho xu hướng này.
Đây cũng không phải là điều gì mới mẻ, bởi hai năm nay, dù tình hình kinh tế nhìn chung vẫn còn nhiều khó khăn nhưng các doanh nghiệp gia công ngành dệt may, da giày… nhận không hết đơn hàng gia công từ Trung Quốc. Nguyên nhân chính là lương nhân công ở Trung Quốc ngày càng tăng cao, dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2015, các doanh nghiệp gia công của Trung Quốc chuyển dần đơn hàng sang Việt Nam.
Trong xu thế đó, nhiều công ty đa quốc gia mà sản phẩm phải sử dụng nhiều nhân công đã đến Việt Nam để tìm kiếm những đơn vị gia công trực tiếp thay thế cho các đơn vị gia công ở Trung Quốc đang mất dần lợi thế do giá nhân công tăng cao.
Nhiều cái tên đình đám trong ngành giày da như Adidas, Coach, Prada... đang dịch chuyển về Việt Nam. Những tập đoàn cơ khí – điện tử như Lifan, Foxconn… cũng đến Việt Nam lập công ty sản xuất.
Ông Greg Ohan, Trưởng bộ phận Công nghiệp và Kho vận của CBRE cũng cho biết: “Trong khi kinh doanh cả nước đang đi xuống thì đầu tư vào khu công nghiệp nhận được những tín hiệu tích cực, nhất là từ các doanh nghiệp nước ngoài. Hyundai dự định nâng công suất đến 600.000 xe trong năm 2020; hay Yamaha, Piaggio và Honda cũng đang tính đường mở rộng kinh doanh và sản xuất…”.
Theo ông Arjan Dominicus, Tổng giám đốc DAMCO Việt Nam thì vấn đề quan trọng bây giờ là làm thế nào để Việt Nam trở thành trung tâm bền vững của các công ty đa quốc gia, tạo lợi thế cho các công ty đa quốc gia chọn Việt Nam là điểm đến mới của họ.
Ông Arjan Dominicus cho rằng: “Trước tiên phải phát triển cơ sở hạ tầng, thành lập cơ sở các nhà cung cấp hỗ trợ cho các nhà sản xuất, nâng cao năng lực của độ ngũ nhân viên Việt Nam để tận dụng việc chuyển đổi nguồn gia công từ Trung Quốc sang các nước khác đang diễn ra”.
Đẩy mạnh hiệu quả chuỗi cung ứng
Theo ông Greg Ohan, các công ty đa quốc gia nhắm đến Việt Nam không chỉ vì giá nhân công rẻ, họ đến Việt Nam trong giai đoạn khó khăn như thế này vì các nhà sản xuất nước ngoài có tầm nhìn dài hạn ở thị trường Việt Nam và chấp nhận vượt qua những thách thức trước mắt.
Việt Nam vẫn là thị trường lao động dồi dào và năng động, tiềm năng thị trường rất lớn, chính trị ổn định và khả năng tăng FDI trong các khu công nghiệp… Đây là lợi thế của Việt Nam so với các nước khác khi các công ty đa quốc gia rời bỏ thị trường Trung Quốc.
Ông Frank Vossen, giám đốc SEDITEX Vietnam Ltd cho biết Việt Nam đã bắt đầu phát triển chuỗi cung ứng từ 1989. Tuy nhiên, theo ông thì đến nay chuỗi cung ứng của Việt Nam so với các nước trong khu vực như Malaysia hay Thái Lan vẫn còn yếu kém về nhiều mặt như nguyên vật liệu, nhân công và cấp độ quản lý.
Vì vậy, theo ông Frank Vossen chuỗi cung ứng ở Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước phát triển, đẩy mạnh hiệu quả chuỗi cung ứng. Ông Frank Vossen cho rằng: “Khoảng 3-4 năm nữa, tôi tin tưởng rằng Việt Nam sẽ theo kịp các quốc gia trên”.
Theo ông, điều quan trọng nhất trong chuỗi cung ứng là chất lượng. Ông nói: “Chất lượng nên được coi trọng hơn giá cả vì nếu nguồn nguyên liệu không tốt thì nó ảnh hưởng đến các bước thiết kế, sản xuất và thành phẩm. Nguyên liệu có chất lượng kém sẽ làm giảm năng suất”.
Vì vậy, ông cho rằng: “Phải tìm hiểu và chỉ định kỹ nhà cung cấp vì điều này quyết định giá và chất lượng của sản phẩm. Nếu chỉ chăm chăm vào giá thì công ty sẽ không có kế hoạch dài hạn cũng như nguồn cung bền vững”.
Theo ông Jonas Franceschina thì việc nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng còn góp phần làm giảm giá thành của sản phẩm, tăng tính cạnh tranh cho các doanh nghiệp gia công của Việt Nam. Các doanh nghiệp gia công Việt Nam còn có thể áp dụng phương pháp vận chuyển hàng hóa trực tiếp mà không cần lưu kho để giảm giá sản phẩm gia công. Ông cũng đề xuất các doanh nghiệp nên tận dụng tự do thương mại giữa Việt Nam, Campuchia và Lào để có thể liên kết làm nguyên vật liệu, thành phẩm.
Theo ông Arjan Dominicus, hiện TPHCM có rất nhiều lợi thế để đẩy mạnh hiệu quả chuỗi cung ứng như những chuyến tàu trực tiếp giữa TPHCM với Mỹ và Châu Âu; hải quan điện tử ngay tại chỗ; sự hỗ trợ từ chính phủ, giá nhân công rẻ hơn và chi phí cho tài sản và công trình rẻ…
 
Nguồn : Dân trí

Nguồn: Vinanet