Cơ cấu các mặt hàng xuất nhập khẩu giữa Trung Đông với Việt Nam bổ sung, hỗ trợ và không cạnh tranh nhau.

Năm 2009, dù trong khủng hoảng kinh tế toàn cầu, song kim ngạch hai chiều giữa Việt Nam và Trung Đông vẫn đạt 2,16 tỷ USD (trong đó, xuất khẩu từ Việt Nam 1,13 tỷ USD, nhập khẩu về 1,03 tỷ USD). Năm 2010, chỉ trong 9 tháng đầu năm xuất khẩu sang Trung Đông đạt khoảng 1,2 tỷ USD. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là hải sản, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, cao su, gỗ - sản phẩm gỗ, gốm sứ, sắt thép… Các mặt hàng nhập khẩu bao gồm nguyên liệu chất dẻo, dầu mỏ, hóa chất, khí LPG,kim loại thường, linh kiện ôtô, máy móc thiết bị...

Dù cách xa về địa lý, nhưng thời gian gần đây DN hai phía cũng đã triển khai được nhiều dự án hợp tác. Petrovietnam đã ký thỏa thuận hợp tác dầu khí với các đối tác trong khu vực Trung Đông như Dự án thăm dò dầu khí lô Danan tại Iran, Dự án đầu tư xây dựng Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn với Côoét sản lượng 10 triệu tấn/năm và các thỏa thuận hợp tác khác với UAE (các Tiểu vương quốc Ả rập), Saudi Arabia, Oman, Cata, Bahrain.Ngược lại, tại Việt Nam, các tập đoàn RAD, ECI Telecom Ltd., Comverse-Alvarion, Tập đoàn Ultra Pure Core (UPC)… thuộc Trung Đông đang có những dự án hợp tác với DN Việt Nam rất hiệu quả.

Ông Lý Quốc Hùng, Vụ Trưởng Vụ Thị trường châu Phi - Tây Á - Nam Á - Bộ Công Thương, trong buổi giới thiệu thị trường Trung Đông đến các DN mới đây tại TP.HCM cho biết, đây là thị trường nhiều tiềm năng cho DN Việt Nam vì cơ cấu các mặt hàng xuất nhập khẩu giữa Trung Đông với Việt Nam bổsung, hỗ trợ và không cạnh tranh nhau. Hiện cơ cấu kinh tế của hầu hết các nước Trung Đông, trừ Thổ Nhĩ Kỳ và Israel, phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ, nên các ngành công nghiệp chế tạo, sản xuất nông nghiệp chưa phát triển,vì thế có nhu cầu rất lớn, đa dạng các chủng loại hàng hóa phục vụ sản xuất và tiêu dùng. Năm 2009, khu vực này nhập khẩu khoảng 642 tỷ USD, chủ yếu là lương thực-thực phẩm, trang thiết bị, hàng may mặc, hóa chất, vật liệu xây dựng, phương tiện giaothông...Đặc biệt, đa số các nước khu vực Trung Đông đều phải nhập lương thực-thực phẩm, chiếm 15% tổng kim ngạch nhập khẩu của khu vực. Trung Đông cũng là khu vực có chính sách thương mại, tài chính, thu hút đầu tư thông thoáng, mở cửa. Ngoại trừ Thổ Nhĩ Kỳ, Israel và Iran, các nước khác hầu như không áp dụng biện pháp hạn chế thương mại như hạn ngạch, tiêu chuẩn kỹ thuật, phòng vệ thương mại... và có mức thuế nhập khẩu thấp; các nước thuộc Hội đồng Hợp tác các quốc gia Vùng Vịnh (GCC)lại có thuế suất bằng 0% đối với hầu hết các loại hàng hóa.

Với thị trường Trung Đông, DN Việt Nam còn có nhiều lĩnh vực khác thuận lợi trong liên kết hợp tác, nhất là lĩnh vực dầu khí, xây dựng, công nghệ sinh học - công nghệ cao, xuất khẩu lao động.

Đặc biệt, nhu cầu nhập khẩu lao động từ Trung Đông rất lớn. Hiện Việt Nam có khoảng 9.500 lao động đang làm việc tại UAE với các ngành nghề xây dựng, cơ khí, đóng tàu, dịch vụ khách sạn, điện lạnh, thủy sản, nhựa, may mặc...Nhu cầu lao động tại thị trường này vẫn tiếp tục tăng. Saudi Arabia cũng đang sẵn sàng tiếp nhận từ 400-700 ngàn lao động Việt Namsang làm việc trong ngành xây dựng, giúp việc gia đình và một số ngành nghề khác (đang có khoảng 6.800 lao động Việt Nam làm việc tại đây).

Dù nhiều tiềm năng, nhưng thị trường Trung Đông có tính cạnh tranh rất cao do nằm ở ngã ba giao thương hàng hóa giữa ba châu lục Á – Âu - Phi nên lượng hàng nhập và trung chuyển rất lớn. Hơn nữa phần lớn các nước trong khu vực đều là thị trường mở, thuế nhập khẩu thấp và từ lâu là thị trường truyền thống của các nước như Mỹ, EU, Nhật, Nga Trung Quốc…, ngay cả một số nước ASEAN cũng xem Trung Đông là khu vực thị trường tiềm năng để đẩy mạnh hợp tác. Bên cạnh đó, do cách xa về địa lý cùng sự khác biệt văn hoá, độ hiểu biết nhau của DN Việt Nam và Trung Đông vẫn còn hạn chế, nên dù tiềm năng song đây cũng là thị trường nhiều thử thách đối với DN Việt Nam, ông Hùng lưu ý.

Nguồn :www.ttnn.com.vn

Nguồn: Vinanet