Trao đổi hàng hóa trên tuyến biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia ngày càng sôi động. Giá trị xuất nhập khẩu (XNK) biên mậu của mười tỉnh Việt Nam có biên giới với Cam-pu-chia tăng nhanh qua các năm. Giai đoạn 2002-2007, mức tăng trưởng bình quân là 30,82%/năm , từ 173,72 triệu USD năm 2002 lên 932,41 triệu USD năm 2007; chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch XNK Việt Nam - Cam-pu-chia: 59% năm 2005, 73% năm 2006 và 77% năm 2007.

Về cơ cấu, Việt Nam xuất siêu, chủ yếu là hàng tiêu dùng, thực phẩm, rau quả, sản phẩm nhựa, vật liệu xây dựng... và nhập khẩu là lúa gạo, cao-su, gỗ nguyên liệu. Hàng hoá được tập trung trao đổi qua các cửa khẩu thuộc hai tỉnh An Giang và Tây Ninh, hiện chiếm đến 95% của cả tuyến biên giới. Bên cạnh mặt tích cực, do địa lý tự nhiên, hoạt động buôn lậu và gian lận thương mại cũng đang diễn biến phức tạp.

Ðến nay đã có tám khu kinh tế cửa khẩu do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Năm 2006, tổng kim ngạch XNK qua các khu kinh tế cửa khẩu này là 1.208 triệu USD. Các cửa khẩu Mộc Bài, Tịnh Biên, Vĩnh Xương, Thường Phước và Hà Tiên đã tạo lập được một số cơ sở vật chất - kỹ thuật, thương mại.

Trên toàn tuyến biên giới có 151 chợ, trong đó có 114 chợ biên giới và chợ cửa khẩu, còn lại 37 chợ trong khu kinh tế cửa khẩu. Chợ tại các tỉnh Tây Ninh, An Giang, Ðồng Tháp, Kiên Giang hoạt động khá hiệu quả.

Quan hệ thương mại nói chung và biên mậu Việt Nam - Cam-pu-chia nói riêng có nhiều tiềm năng phát triển do có môi trường pháp lý thuận lợi. Hai nước đã ký nhiều hiệp định quan trọng để thúc đẩy phát triển thương mại và hợp tác kinh tế.

Hai nước cũng có thỏa thuận về hợp tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới.

Ngoài những cam kết song phương, hai nước đều cùng là thành viên WTO, đang trong quá trình cắt giảm thuế quan cho nhau theo Chương trình thuế quan ưu đãi có hiệu lực chung (CEPT), cùng triển khai thí điểm một số mô hình trong khuôn khổ Hiệp định vận tải qua biên giới tiểu vùng sông Mê Công...

Với các tỉnh biên giới tây nam, qua khảo sát của Bộ Công thương và từ phản ánh của các địa phương, có một số quy định chưa phù hợp thực tế và vì vậy chưa khai thác hết lợi thế khi XNK hàng hoá sang Cam-pu-chia. Ðơn cử về hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu phụ.

Theo quy định hiện hành, cửa khẩu phụ chỉ mở cho người, phương tiện, hàng hóa của cư dân vùng biên giới hai bên qua lại. Do đó, hàng xuất khẩu của các tỉnh ngoài vùng biên giới đều không được thông quan qua cửa khẩu phụ, trong khi XNK qua cửa khẩu phụ thuận lợi và giảm chi phí.

Ðể việc khai thác tiềm năng kinh tế vùng biên giới hai nước trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh biên giới, tăng cường quan hệ kinh tế thương mại Việt Nam - Cam-pu-chia, cần có giải pháp chung là, phải xây dựng được một hành lang pháp lý giao thương thông thoáng giữa vùng biên giới với trong nước, với Cam-pu-chia.

Ngoài nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, cần có chính sách huy động vốn từ các thành phần kinh tế trong nước và đầu tư nước ngoài để đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại. Ðẩy mạnh XNK tiểu ngạch, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới hai nước.

Thông qua thương mại biên giới, tăng cường xuất khẩu, nhất là nhóm hàng tiêu dùng và nguyên liệu, vật liệu xây dựng. Ðồng thời có chính sách hợp lý khuyến khích nhập khẩu nhóm hàng nông lâm sản phục vụ công nghiệp chế biến hàng xuất khẩu trong nước.

Cần thực hiện một số giải pháp cụ thể theo nhóm vấn đề. Về đối ngoại và xúc tiến thương mại, đề nghị định kỳ hai năm hai nước luân phiên tổ chức hội nghị đánh giá tình hình và đề ra kế hoạch năm tiếp theo về hoạt động thương mại biên giới giữa hai nước.

Các tỉnh có chung biên giới tổ chức luân phiên hằng năm. Với các đơn vị ở cửa khẩu, hằng tuần, hằng tháng nên gặp gỡ trao đổi thông tin, thống nhất giải quyết các vướng mắc phát sinh. Hai bên nâng cao hiệu quả hợp tác chống buôn lậu và gian lận thương mại.

Về đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, tiếp tục xây dựng giao thông đường bộ, đường thuỷ; hệ thống chợ biên giới; kho tàng, bến bãi, cửa hàng... cho các cửa khẩu. Ðẩy nhanh tiến độ xây dựng và đưa các khu kinh tế cửa khẩu vào hoạt động, tạo điều kiện cho thương mại toàn vùng; gắn thương mại biên giới với xóa đói, giảm nghèo.

Ða dạng hóa phương thức kinh doanh, khuyến khích và có chính sách ưu đãi doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, thương nhân Cam-pu-chia vào kinh doanh tại chợ biên giới, trung tâm thương mại trong khu kinh tế cửa khẩu. Các tỉnh cần tạo những ưu đãi hợp lý để thu hút đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài, đẩy nhanh hoàn thiện hạ tầng các cửa khẩu, đầu tư sản xuất tại các vùng tiếp giáp biên giới.

Kiện toàn bộ máy, tăng cường nhân lực về quản lý và phát triển thương mại biên giới từ trung ương đến địa phương, coi đây là khâu quyết định việc thực hiện chủ trương quản lý và phát triển thương mại biên giới.

(DN24g)

Nguồn: Vinanet