Trong báo cáo mới đây của Cơ quan Xúc tiến Đầu tư và Thương mại Anh (UKTI), Việt Nam được đánh giá là một trong 17 thị trường trọng điểm mà các doanh nghiệp Anh đang hướng tới. Việt Nam cũng có tên trong danh sách 15 thị trường được quan tâm trong một báo cáo thăm dò khác đối với các doanh nghiệp về sự lựa chọn thị trường cho hoạt động đầu tư, thương mại trong tương lai.
Bộ tài chính Anh hy vọng mức tăng trưởng kinh tế Anh sẽ đạt khoảng 1-1,5% trong 2 năm 2010 và 2011, từ năm 2012 sẽ lên tới 3,5%; thu nhập bình quân của người dân cũng sẽ tăng 3,9% vào năm 2011; lãi suất bắt đầu tăng vào mùa Xuân và sẽ đạt tới 2% vào cuối năm 2010; chỉ số giá tiêu dùng theo lạm phát sẽ tăng mạnh do thuế VAT tăng vào tháng 1/2010; giá dầu dự báo sẽ tăng khoảng 100 USD/thùng cho tới cuối năm 2011 do kinh tế thế giới hồi phục.
Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Anh, An Thế Dũng cho biết theo số liệu của Cơ quan Thống kê Anh tính đến tháng 10/2009, kim ngạch nhập khẩu của Anh từ Việt Nam đạt 893 triệu bảng, tăng 7,4% so cùng kỳ năm ngoái; Anh xuất khẩu sang Việt Nam đạt 171 triệu bảng, tăng 12% so cùng kỳ năm ngoái. Tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu 10 tháng đạt 1.064.669 triệu bảng, tăng 7,4% so cùng kỳ 2008.
Hiện nay, giá trị đầu tư của Anh tại Việt Nam đạt xấp xỉ 2 tỷ USD, đưa Anh trở thành một trong những nhà đầu tư lớn nhất trong các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) ở Việt Nam, với 126 dự án. Những công ty Anh có tiếng trên thế giới như BP, Shell, BAT, Coats, ICI, Unilever, Castrol, GlaxoSmithKline, Tate & Lyle, Prudential, và các ngân hàng HSBC, Standard Chartered đã có những khoản đầu tư quan trọng tại Việt Nam. Rất nhiều công ty khác cũng đang mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Chính phủ Anh tiếp tục là quốc gia ủng hộ Việt Nam trong các vấn đề GSP, thuế chống bán phá giá giày mũ da. Các nhà đầu tư, doanh nghiệp Anh đánh giá Việt Nam là một trong những điểm đến ưu tiên, là đối tác tiềm năng cần quan tâm trong những năm tới. Hoạt động xúc tiến thương mại trong thời gian qua đã và đang có tác động tích cực đối với doanh nghiệp hai nước. Thông qua đó, sự hiểu biết lẫn nhau, hình ảnh doanh nghiệp, sản phẩm Việt Nam ngày một cải thiện trên thị trường thế giới.
 
Trong số các mặt hàng xuất khẩu truyền thống của Việt Nam sang Anh như cà phê, quần áo, giày dép, đồ gỗ và đồ nhựa, tiềm năng tăng xuất khẩu đối với mặt hàng nhựa là lớn. Riêng đối với hàng may mặc, cơ hội cho năm 2010 cũng có nhiều hơn so với 2009 khi kinh tế phục hồi, sức mua của người dân tăng trở lại. Mặt hàng cà phê sẽ không có gì biến động nhiều so với 2009. Trong khi, các mặt hàng đồ gỗ, sản phẩm gỗ và các mặt hàng giày dép sẽ còn nhiều khó khăn do tình hình nhà đất đóng băng, trong khi EU vừa tiếp tục gia hạn áp thuế chống phá giá đối với giày mũ da của Việt Nam thêm 15 tháng nữa, kể từ ngày 1/1/2010.
Theo báo cáo của Hiệp hội Giày Anh, thị trường giày thế giới trong năm 2008 tăng khoảng 4,1% lên 208.4 tỷ USD. Dự báo đến năm 2013 thị trường giày thế giới sẽ đạt khối lượng khoảng 15,1 tỷ đôi với trị giá khoảng 272,5 tỷ USD, tăng khoảng 30,7% so với năm 2008, trong đó EU là thị trường tiêu thụ lớn nhất chiếm khoảng 42,3% trị giá toàn cầu. Tuy nhiên, thuế chống bán phá giá đối với giày mũ da của Việt Nam tiếp tục bị EC gia hạn sẽ là một trở ngại đối với mặt hàng này. Vì vậy, ngoài các hợp đồng với các đối tác truyền thống với các thương hiệu mạnh như Clarks, Nike, Adidas…các doanh nghiệp cần tận dụng triệt để những đơn đặt hàng của các cơ quan chuyên ngành Anh do Thương vụ giới thiệu. Những hợp đồng loại này tuy số lượng không lớn nhưng ổn định và dài hạn, mẫu mã đơn giản.
 
Đối với nhóm hàng may mặc, nhiều khả năng sức mua của người dân Anh sẽ tăng trở lại trong năm 2010. Đối với thị trường Anh, may mặc là nhóm hàng có kim ngạch lớn thứ 2 sau giày dép. Còn đồ gỗ và sản phẩm gỗ là nhóm mặt hàng có kim ngạch lớn thứ 3 sau giày dép và may mặc. Tuy nhiên, do thị trường nhà đất vẫn chưa thoát khỏi tình trạng đóng băng nên đồ gỗ, đặc biệt là các sản phẩm phục vụ xây dựng, trang trí nội thất, còn bị ảnh hưởng.
Trong khi đó, sản phẩm nhựa là mặt hàng có nhiều khả năng tăng trưởng kim ngạch do giá cả, mẫu mã sản phẩm nhựa của Việt Nam có thể cạnh tranh tốt với các nước trong khu vực. Nhu cầu tiêu dùng của dân Anh đối với mặt hàng này rất lớn, khoảng 69 kg/người/năm (trong khi của Việt Nam là 25 kg/người/năm), tổng tiêu dùng cho mặt hàng này là 4.230.000 tấn/2008. Tiềm năng phát triển mặt hàng này tại thị trường Anh là lớn, Việt Nam cần tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, tham gia các hội chợ chuyên ngành nhằm quảng bá sản phẩm, năm bắt nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng để cải tiến mẫu mã sản phẩm phù hợp với thị trường; đẩy mạnh quan hệ hợp tác với Hiệp hội Nhựa Anh.

Nguồn: Vinanet