Tham tán thương mại Việt Nam tại Trung Quốc cho bết, kim ngạch XNK giữa Việt Nam –Trung Quốc tăng trưởng rất mạnh trong năm 2007, đạt mục tiêu 15 tỷ USD cho năm 2010 trước 3 năm, trong đó XK của Việt Nam đạt 3,7 tỷ USD. Tuy nhập siêu từ Trung Quốc năm 2007 rất lớn (9 tỷ USD) nhưng ý nghĩa của 3,7 tỷ USD XK vào thị trường Trung Quốc rất quan trọng vì các mặt hàng XK hầu hết sử dụng nguyên vật liệu và lao động trong nước.

Theo tham tán còn nhiều tiềm năng XK sang thị trường Trung Quốc trong năm 2008 và các năm tiếp theo.Đó là:

+Thứ nhất nhu cầu thị trường Trung Quốc rất lớn, chủ yếu vẫn tập trung ở các nhóm hàng nông sản nhiệt đới. Nhu cầu NK cao su của thị trường Trung Quốc vẫn giữ ở mức từ 1,5- 2 triệu tấn, trong khi năm 2007 Việt Nam mới XK sang Trung Quốc được hơn 400.000 tấn.

+Thứ hai, mặt hàng sắn lát, nhu cầu từ 3,5-4 triệu tấn/năm, đến năm 2009 sẽ tăng lên 5 triệu tấn do Trung Quốc không chỉ sử dụng để chế biến thực phẩm mà còn để sản xuất etanal làm nhiên liệu thay thế xăng dầu.

+Thứ ba là hạt điều. Khả năng của chúng ta chưa đáp ứng được bao nhiêu so với nhu cầu của thị trường, chúng ta có thể tăng gấp 2-3 lần sản lượng XK hạt điều vào thị trường này. Mặt hàng rau quả của Việt Nam rất có triển vọng, đặc biệt là thị trường các tỉnh phía nam Trung Quốc. Những mặt hàng khác vẫn có tốc độ phát triển ổn định.

Mặc dù Trung Quốc là nước sản xuất nhiều giày nhất thế giới nhưng tốc độ tăng trưởng XK giày dép vào thị trường này vẫn ở mức 35-40%/năm. Trong đó giày dép Biti’s đã tạo được chỗ đứng vững chắc do chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, sản xuất bằng cao su thiên nhiên. Đồ gỗ cao cấp cũng có bước phát triển mạnh, đặc biệt là đồ gỗ giả cổ. Đây là mặt hàng rất tiềm năng. Hàng năm Trung Quốc NK hàng chục tỷ USD đồ gỗ.Nông sản chế biến, đặc biệt là hoa quả chế biến khô là nhóm mặt hàng mới thâm nhập rất tốt vào thị trường Trung Quốc. Công ty Vinamit đã thành công xuất khẩu mít sấy khô, sau đó là khoai lang, khoai môn và hoa quả sấy khô. Tại các siêu thị ở Bắc Kinh, sản phẩm của Vinamit là một trong những mặt hàng ngoại nhập được đưa vào túi quà tết của người Bắc Kinh. Đây là điều rất đáng tự hào vì lần đầu tiên sản phẩm của Việt Nam được đưa vào túi hàng tết của người Bắc Kinh một cách sang trọng.

Sau Vinamit là mặt hàng cà phê hòa tan. Hiện cà phê hòa tan Việt Nam đang được giới trẻ Trung Quốc rất ưa chuộng.Để phát triển XK sang thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý, việc Trung Quốc điều chỉnh cơ chế XNK như áp dụng cơ chế hạn ngạch đối với 7 mặt hàng lương thực và 3 mặt hàng phân bón; hủy bỏ hoàn thuế và tăng thuế xuất khẩu 84 mặt hàng lương thực và sản phẩm chế biến từ lương thực sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam XK sang thị trường Trung Quốc và các thị trường khác. Riêng việc nhập khẩu, các doanh nghiệp cần lưu ý vì Trung Quốc tăng thuế xuất khẩu, thuế bảo vệ môi trường và các thuế phụ thu khác đối với các mặt hàng tiêu hao nhiên liệu và tài nguyên lớn. Do đó giá các mặt hàng như sắt thép, bột giấy, phân bón, than cốc… có khả năng biến động. Các doanh nghiệp cần đa dạng hóa mặt hàng, tránh tình trạng khó khăn từ thị trường Trung Quốc.

Đối với thị trường Nhật Bản, thị trường XK lớn thứ hai của Việt Nam sau Mỹ, năm 2008 có khả năng đạt 7,1 tỷ USD, tăng 17% so với năm 2007. Để XK thành công vào thị trường này, Tham tán thương mại tại Nhật Bản cho biết, doanh nghiệp cần giữ vững và tăng XK những nhóm mặt hàng chủ lực đồng thời phát triển mặt hàng mới và chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu, tổ chức tốt thị trường, xây dựng mạng lưới nhập khẩu và tiêu thụ bền vững, tận dụng tối đa các chương trình XTTM quốc gia vào thị trường Nhật. Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản sẽ cố gắng cao nhất để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc cung cấp thông tin, tổ chức thị trường, đặc biệt với một số mặt hàng trọng điểm như khôi phục thị trường thủy sản, đẩy mạnh và tăng nhanh nhóm mặt hàng đồ gỗ, phát triển một số mặt hàng mới trong đó có mặt hàng thực phẩm chế biến. Trong năm 2008, thương vụ sẽ tổ chức triển lãm hàng Việt Nam cho một số mặt hàng tại Tokyo, tổ chức 4-5 đoàn doanh nghiệp Nhật mua hàng của Việt Nam trong đó tập trung vào các nhóm hàng đồ gỗ, thực phẩm, rau và hoa…

(Thương mại)

 

 

Nguồn: Vinanet