Không chỉ phải xin lỗi công khai trên báo chí, doanh nghiệp Việt còn có nguy cơ bị thị trường Mỹ cấm cửa nếu bị phát hiện sử dụng phần mềm không bản quyền.

Phó Cục trưởng cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú cho biết, Nghị viện các Bang Washington và Louisiana vừa thông qua đạo luật “Vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực công nghệ thông tin” (UCA) nhắm vào các hành vi cạnh tranh không lành mạnh bằng việc sử dụng phần mềm không bản quyền.

Ông Phú cho rằng, với đạo luật này Mỹ sẽ yêu cầu các nhà xuất khẩu ở nước thứ 3 chấm dứt việc sử dụng phần mềm bất hợp pháp trong toàn bộ hoạt động kinh doanh từ hệ thống kế toán, kho bãi, vận chuyển... Tuy nhiên, điều đáng ngại theo ông Phú là đạo luật này có thể không dừng lại ở 2 bang Washington và Louisiana mà có thể mở rộng ra các bang khác của nước Mỹ và nhiều nước khác.

 Theo ông Phú, khi Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) áp dụng đạo luật này trong các vụ điều tra chống bán phá giá, DOC có thể cộng thêm các chi phí sản xuất thực tế (do DOC tính toán) do doanh nghiệp phải sử dụng các sản phẩm phần mềm có bản quyền (chi phí thiết kế, tiếp thị…) dẫn đến chi phí sản xuất sản phẩm bị đẩy lên cao, dẫn đến nguy cơ bị áp thuế chống bản phá giá hoặc biên độ phá giá cao hơn cho hàng Việt Nam.

Hiện đã có 39 công tố viên liên bang ở Mỹ đã ký ủng hộ đạo luật của 2 bang này. Phó Tổng thư ký Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) Trần Hữu Huỳnh nhận định: “Điều này cho thấy Mỹ quyết tâm thắt chặt kiểm tra doanh nghiệp Việt Nam đối với vấn đề bản quyền phần mềm trong năm 2012”.

Ông Huỳnh cho rằng, đạo luật này là phù hợp với quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vì thế có quyền áp dụng với mọi thành viên, trong đó có Việt Nam. Do vậy, cách tốt nhất là doanh nghiệp Việt Nam nên tuân thủ để tránh những hậu quả đáng tiếc” - ông Huỳnh khuyến cáo.

 
Nguồn Dân Trí

Nguồn: Vinanet