Ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt đang mở rộng kinh doanh cũng như chi nhánh tại Đức, hứa hẹn sẽ mang lại nhiều cơ hội từ trung tâm tài chính này.
CHLB Đức là trung tâm kinh tế hàng đầu của Châu Âu, đồng thời đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Tại đây cũng tập trung khá đông đồng bào Việt Nam làm việc và sinh sống. Do đó, các doanh nghiệp Việt không chỉ xuất khẩu hàng hóa sang Đức mà còn đang có xu hướng mở thêm chi nhánh, tập trung vào các mảng tài chính, công nghệ...
Ngày 6/9, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank) đã khai trương chi nhánh đầu tiên tại trung tâm tài chính Frankfurt, Đức. Sự kiện này không chỉ quan trọng đối với riêng ngân hàng này mà có ảnh hưởng và có ý nghĩa đối với cả ngành ngân hàng Việt Nam.
Việc mở rộng hệ thống chi nhánh ra nước ngoài, sẽ giúp ngân hàng này mở rộng kinh doanh và nó cũng là tiền đề cho sự phát triển mở rộng các chi nhánh nước ngoài sau này. Hiện Frankfurt đang sở hữu các trụ sở của những ngân hàng lớn như ngân hàng Trung ương châu Âu, Ngân hàng trung ương Đức, Deutsche Bank AG, Commerzbank AG,…cho thấy hoạt động tài chính tại đây khá sôi động.
Theo số liệu thống kê, CHLB Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong Liên minh Châu Âu, chiếm tỷ trọng trên 20% doanh số xuất khẩu của Việt Nam sang Châu Âu và trên 25% doanh số nhập khẩu từ Châu Âu vào Việt Nam.
Mặc dù Việt Nam nhập siêu trong trao đổi thương mại với nhiều nước trên thế giới, song trong quan hệ thương mại với Đức, Việt Nam là nước xuất siêu với giá trị tăng dần qua các năm.
Tính chung 7 tháng đầu năm, Việt Nam đã thu về 1,7 tỷ USD từ thị trường Đức, tăng 43,1% so với cùng kỳ năm trước. Riêng tháng 6, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt nam sang Đức đạt 281,3 triệu USD, tăng 6,4% so với tháng trước.
Hàng năm lượng kiều hối chuyển từ Đức về Việt Nam khá cao, đạt 33,3 triệu USD trong năm 2010, nhưng chỉ riêng 6 tháng năm 2011 con số này đã lên tới 20,3 triệu USD.
Do đó, việc mở chi nhánh tại trung tâm tài chính này, sẽ giúp Vietinbank có thêm nhiều cơ hội hợp tác và kinh doanh.
Theo ông Nguyễn Văn Du, Phó tổng giám đốc phụ trách mạng lưới nước ngoài của Vietinbank, ngân hàng này sẽ nâng cấp chi nhánh tại Đức thành ngân hàng con trực thuộc, sau đó có thể mở rộng thêm các chi nhánh ở các quốc gia tại Châu Âu như Pháp, Anh, Balan…
Không chỉ ngành ngân hàng mở rộng thêm chi nhánh tại nước ngoài mà các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh công nghệ, phần mềm cũng đang bắt đầu lấn sân sang thị trường Đức.
Đơn cử như CTCP phần mềm FPT (FPT Software) đã thành lập Trung tâm Phần mềm 18 (SU18) chuyên phát triển tại thị trường Đức.
Ông Nguyễn Thành Huy giám đốc trung tâm tại Đức nhận định, đây là một thị trường tiềm năng cho ngành xuất khẩu phần mềm. Vì Đức là một quốc gia phát triển, trọng công nghệ nhưng thiếu hụt nguồn nhân lực.
6 tháng cuối năm 2011, trung tâm tại Đức phấn đấu hoàn thành mục tiêu 600.000 USD doanh số. Trong năm 2012, SU18 dự kiến tăng trưởng doanh số 300% đạt 2 triệu USD. Và năm 2014 đạt doanh số 4 triệu USD. SU18 hiện có 18 người làm việc trên mảng thị trường Đức, đặc biệt là các khách hàng chiến lược như Crossgate, Arvato Mobile, 7P với công nghệ Java/J2EE.
Đức hiện đang là một thị trường tiềm năng để các doanh nghiệp Việt Nam có thể phát triển ngành hàng sản phẩm, tuy nhiên vấn đề về địa lý, ngôn ngữ vẫn đang là một trong những trở ngại đối với những doanh nghiệp tham gia vào thị trường Đức.
Dvt.vn

Nguồn: Vinanet