Sau sự kiện dịch e-coli bùng phát và gây thiệt mạng cho 50 người ở châu Âu, Dubai đang tăng cường thực hiện các biện pháp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại nguồn (cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm).
Sự việc này bắt nguồn từ một báo cáo do Cơ quan kiểm tra thực phẩm của thành phố Dubai thực hiện, trong đó kiến nghị cần có luật, quy định và chính sách mới về đảm bảo an toàn thực phẩm ở Tiểu vương quốc Dubai. Năm 2010, Dubai nhập khẩu 85% nhu cầu thực phẩm, tương đương khoảng 5,7 triệu tấn từ 163 nước.
Một quan chức của Cơ quan kiểm tra thực phẩm của Dubai, Ông Bashir Hassan Yousif, cho biết, vì UAE, trong đó có Dubai phụ thuộc khá lớn vào nhập khẩu thực phẩm nên cách tốt nhất là kiểm soát thực phẩm ngay tại nơi sản xuất ra chúng, không nên chỉ ngồi đợi để kiểm tra thực phẩm khi vào Dubai. Ông Bobby Krishna, một quan chức cao cấp khác thuộc Cơ quan kiểm tra thực phẩm Dubai, cho rằng việc kiểm tra thực phẩm tại nguồn (nơi sản xuất) là một việc cần thiết và rất có lợi, vì nó sẽ giúp làm giảm khả năng hàng thực phẩm bị từ chối vì lý do an toàn thực phẩm sau khi đã nhập vào UAE.
Báo cáo cũng nêu ra một số thách thức đối với Dubai, bao gồm cơ chế phối hợp giữa chính quyền liên bang và chính quyền địa phương, sự thay đổi thói quen tiêu dùng, bảo vệ người tiêu dùng từ các chất nhiễm bẩn và công bố kết quả của các chuyến thanh tra.
Báo cáo sẽ làm cơ sở để Dubai xây dựng chiến lược kiểm soát thực phẩm nhập khẩu, thậm chỉ kể cả thực phẩm sản xuất tại địa phương.
Trong năm 2010, Cơ quan kiểm tra thực phẩm của Dubai đã từ chối hơn 432 ngàn tấn thực phẩm nhập khẩu, tăng 5,7% so với năm 2009. Ông Krishma cho biết, những dữ liệu trong báo cáo có thể sẽ có ảnh hưởng lớn tới các nước nghèo. Nếu Dubai ngừng nhập khẩu từ một nước X, mà nước này lại phụ thuộc rất lớn vào xuất khẩu thực phẩm sang Dubai, vì thế các quyết định đưa ra liên quan đến kiểm soát thực phẩm nhập khẩu cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Dubai đã bắt đầu thực hiện một số chương trình, chẳng hạn như “Person in Charge (PIC)”, nhằm đảm bảo rằng một cá nhân được đào tạo sẽ đảm nhận vai trò như một liên lạc viên giữa đơn vị kinh doanh thực phẩm, đơn vị nhập khẩu và thương nhân để hỗ trợ, tăng cường khâu liên lạc, trao đổi thông tin về vệ sinh an toàn thực phẩm. Năm 2010, đã có 13761 cơ sở sản xuất thực phẩm đăng ký tại Dubai, trong đó có 5700 cửa hàng bán lẻ, 2000 cửa hàng trong số này đã được cấp chứng nhận chương trình PIC. Các khóa đào tạo dành cho 6000 – 7000 thương nhân cũng sẽ sớm được triển khai.
Trong năm 2010, Cơ quan kiểm tra thực phẩm Dubai đã tiến hành 34726 cuộc thị sát kiểm tra thực phẩm, cho biết số vụ vi phạm đã giảm 45% kể từ năm 2009. Có 97 cơ sở kinh doanh thực phẩm bị đóng cửa trong năm 2010, giảm so với con số 191 cơ sở của năm 2009.
5 thị trường xuất khẩu thực phẩm hàng đầu vào Dubai gồm: Ấn Độ, Pakistan, Trung Quốc, Brazil, Mỹ. 5 sản phẩm thực phẩm nhập khẩu hàng đầu vào Dubai gồm: ngũ cốc, trái cây, rau quả, đậu hạt các loại, thịt và gia cầm.
ttnn.com.vn

Nguồn: Vinanet