Nửa đầu năm 2011, kim ngạch giao thương hai chiều của Việt Nam với châu Á đạt 61,7 tỷ USD, tăng 33% và chiếm 66,7% tổng giá trị XK của cả nước. Đây cũng chính là thị trường ghi nhận mức tăng kim ngạch XNK mạnh nhất (trong khi thương mại song phương VN với các châu lục khác: châu Âu tăng 20%, châu Mỹ 22% và châu Đại Dương tăng 4% so với cùng kỳ năm 2010). Cụ thể, XK 6 tháng 21,9 tỷ USD (51% tổng tỷ trọng, tăng 40,4% cùng kỳ 2010); NK là 39,8 tỷ USD (80,5% tỷ trọng và tăng 29,4% so với cùng kỳ 2010). Như vậy, hết quý II, Việt Nam đã nhập siêu tới 17,9 tỷ USD từ thị trường châu Á. Và nếu như kết thúc 6 tháng, có 5 thị trường VN nhập siêu trên 1 tỷ USD, thì cả 5 thị trường đó đều thuộc châu Á: Trung Quốc (6,52 tỷ USD), Singapore (2,13 tỷ USD), Hàn Quốc (3,78 tỷ USD), Đài Loan (3,6 tỷ USD), Thái Lan (2,31 tỷ USD). Còn trong đó 5 thị trường xuất siêu chính 2 quý dầu năm của VN thì chỉ có một thị trường thuộc châu Á là Cămpuchia với mức xuất siêu 6 tháng là 857 triệu USD).

Châu Á luôn là thị trường ghi nhận sự giao thương nhộn nhịp nhất đối với VN, thể hiện ở việc kim ngạch XNK của VN với các thị trường này luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng kim ngạch và có mức tăng cao. Tuy nhiên, khi giao thương với thị trường Châu Á, cán cân thương mại 2 chiều của VN luôn trong trạng thái thâm hụt và mức thâm hụt này tiếp tục tăng.

Hết tháng 7, châu Á tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của VN với kim ngạch XNK đạt 72,67 tỷ USD, chiếm 65,8% tổng kim ngạch XNK của cả nước. Trong số 13 thị trường VN XK trên 1 tỷ USD trong đó có 11 thị trường đạt mức tăng trưởng dương với tốc độ tăng trưởng khá cao, thì cũng có không ít trong số đó là các đại diện tới từ châu Á như: Trung Quốc 5,56 tỷ USD (tăng 61,6%), Nhật 5,40 tỷ USD (tăng 30%), Hàn Quốc 2,60 tỷ USD (tăng gần 86%), Malaysia 1,55 tỷ USD (tăng 46,6%). Tuy nhiên, trong khi quan hệ thương mại với các châu lục khác cán cân thương mại của VN đều thặng dư thì châu Á lại cũng là thị trường duy nhất VN nhập siêu với mức thâm hụt lên tới hơn 20 tỷ USD, bằng 38,6% tổng giá trị XK của VN sang châu Á 7 tháng đạt 26,2 tỷ USD (chiếm tỷ trọng 49,9% tổng kim ngạch XK của cả nước và tăng 41% so với cùng kỳ năm 2010). Trong khi đó, kim ngạch NK đạt 46,46 tỷ USD, chiếm tới 80,2% tỷ trọng tổng kim ngạch NK của cả nước từ tất cả các thị trường, tăng 27,8% so với cùng kỳ năm 2010. Cũng hết tháng 7, có 5 thị trường VN nhập siêu trên 2 tỷ USD thì cả 5 thị trường này tiếp tục là các thị trường châu Á: nhập siêu với Trung Quốc lên tới hơn 7,74 tỷ USD, Đài Loan 4,18 tỷ USD, Thái Lan 2,7 tỷ USD, Singapore 2,33 tỷ USD.

Nhìn lại thị trường của một số nhóm mặt hàng XK, NK chính của VN từ đầu năm tới nay, càng thấy rõ sự phụ thuộc khá lớn củaVN vào các thị trường châu Á. Cụ thể, trong số 7 nhóm mặt hàng NK chính của VN trong 7 tháng đầu năm, hầu hết đều được NK từ châu Á là chủ yếu: Nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng với tổng trị giá NK 7 thángd dạt 8,31 tỷ USD thì lượng hàng có xuất xứ từ Trung Quốc đã chiếm tới 2,82 tỷ USD, từ Nhật Bản là 1,5 tỷ USD, Hàn Quốc lá 666 triệu USD… Hay mặt hàng xăng dầu các loại NK trong 7 tháng là 6,55 triệu tấn thì lượng NK từ Singapore là 2,88 triệu tấn, Đài Loan 1,06 triệu tấn. Phân bón các loại được nhập trong 7 tháng là 2,21 triệu tấn thì thị trường Trung Quốc đã cung cấp tới 928 nghìn tấn, Philippine là 172 nghìn tấn. Nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện chủ yếu được nhập từ Trung Quốc với trị giá 733 triệu USD, chiếm tới 63% tổng kim ngạch NK của cả nước từ Hàn QUốc là 382 triệu USD, chiếm 333%... Trong những năm qua, việc đẩy mạnh tìm kiếm thị trường , mở rộng điểm đến cho các mặt hàng XK của VN đã được chú trọng tuy nhiên, trong cơ cấu thị trường của một số mặt hàng XK chính, theo thống kê hải quan, thì nhóm các thị trường châu Á vẫn giữ vai trò quan trọng trong việc tiêu thụ sản phẩm của VN. Đơn cử như như mặt hàng gạo: 7 tháng VN đã XK 4,7 triệu tấn thì lượng xuất sang Philippine đã là 816 nghìn tấn, Indonesia là 728 nghìn tấn; Malaysia 363 nghìn tấn. Bên cạnh đó, có tới 60,5% lượng cao su, 77,2% tổng lượng than đá VN XK sang Trung Quốc…

Từ năm 2015, theo quy định của cam kết trong khu vực mậu dịch tự do ASEAN – Trung Quốc, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để tăng cường XK sang một trong những đối tác thương mại lớn thuộc thị trường châu Á là Trung Quốc. Bên cạnh đó, ngoài việc mở rộng tìm kiếm các thị trường XK mới ở châu Phi, Trung Đông… các DN VN cũng cần từng bước mở rộng và phát triển theo chiều sâu đối với hoạt động XK sang các thị trường như Singapore, Thái Lan, Malaysia….

Những thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam 7 tháng đầu năm 2011

ĐVT: Tỷ USD

Trung Quốc

5,56

Nhật Bản

5,40

Hàn Quốc

2,60

Malaysia

1,55

Những thị trường Việt Nam nhập siêu 7 tháng đầu năm 2011

ĐVT: tỷ USD

Trung Quốc

7,74

Hàn quốc

4,38

Đài Loan

4,18

Thái Lan

2,70

Singapore

2,33

Nguồn: TBKT

Nguồn: Vinanet