Phần lớn các công ty này do người Canada sở hữu, những công ty có yếu tố nước ngoài chủ yếu là các công ty đa quốc gia của Mỹ. Họ là những công ty lớn và chủ yếu tập trung vào sản xuất quy mô lớn những mặt hàng như: quần jeans, đồ lót. Hàng may mặc được sản xuất trên tất cả các tỉnh bang của Canada, vùng Quebéc vẫn chiếm vị trí hàng đầu, kế đến là tỉnh Ontario và British Colombia. Gần đây các nhà sản xuất chuyển hướng đầu tư, kinh doanh về khu vực nông thôn và các khu dân cư nhỏ.
Các công ty kinh doanh hàng may mặc Canada rất nhạy bén trong lĩnh vực kinh doanh nhỏ nên họ thường đi chuyên sâu vào những thị trường ngách hay những mặt hàng may mặc đáp ứng thị hiếu tiêu dùng. Quần áo có chất lượng cao hoặc giá cao thường được sản xuất với loại sợi có chất lượng hàng đầu, thợ may lành nghề và hầu hết được làm tại Canada. Những sáng tạo mới như ‘công nghệ gói nhỏ’ đã được đưa vào áp dụng trong ngành dệt may, dùng nguyên liệu có thể điều tiết được nhiệt độ, hương liệu tẩm vào quần áo hay những vật liệu có tác dụng y tế trị liệu cũng được gắn kết vào sợi. Đây được coi là định hướng để có thể duy trì vị trí cạnh tranh hàng đầu thế giới. Ngành công nghiệp dệt may Canada đã từng chi khoảng 123 triệu Đô-la Canada cho mua sắm máy móc, thiết bị hiện đại và xây dựng nhà xưởng, trong đó 67% chi phí đầu tư là của các công ty cắt may.
Ngành công nghiệp thời trang Canada phụ thuộc nhiều vào sợi nhập khẩu (mặt hàng phải chịu thuế, mức thuế có thể dao động từ 9% đối với sợi len, tới 16% đối với sợi dệt). Thuế này cộng với chi phí lao động tương đối cao ở Canada làm cho giá thành hàng may nội địa cao hơn nhiều so với hàng nhập khẩu. Hàng may mặc nhập khẩu với giá thấp đã thâm nhập được vào mảng thị phần hàng giá thấp đến trung bình ở Canada. Sự thay đổi nhân khẩu học của Canada có vai trò rất quan trọng đến ngành thương mại may mặc. Dân số ngày càng già đi, thu nhập có thể làm nhu cầu tiêu dùng tăng lên đã có tác động tích cực đến ngành may mặc. Nhu cầu tăng liên tục đối với mặt hàng may mặc có chất lượng cao, chứa đựng đặc tính thoải mái và có tính năng đặc biệt. Tuổi trẻ ngày nay cũng rất đáng chú ý vì họ có thị hiếu đa dạng, chiếm phần lớn doanh số bán ra của hàng may mặc.
Giữa các vùng của Canada có sự khác nhau về thị hiếu tiêu dùng. Vùng nói tiếng Pháp - Quebéc chịu ảnh hưởng mạnh của mốt từ Châu Âu và phong cách mới. Rất nhiều mốt mới thường lan tỏa sang các vùng khác, sau khi được du nhập vào Quebéc. Người tiêu dùng ở vùng Ontario và các tỉnh khác thì bảo thủ hơn và thích dòng mốt cơ bản. Địa phương có doanh thu hàng may mặc nhiều nhất là tỉnh Ontario, sau đó là Quebéc, Alberta, Saskatchewan và Mainitoba, British Colombia và các tỉnh vùng tây đại dương.
Màu đen vẫn duy trì là màu chủ đạo của người Canada, màu tối/sẫm được dùng trong suốt mùa giá lạnh, màu tươi được ưa chuộng vào những tháng mùa xuân (từ tháng 4 đến tháng 6) và những màu sáng vui mắt thường được dùng trong mùa hè. Người Canada thường giữ quần áo trong một vài mùa (tức vài năm) và thích loại có chất lượng tốt với mức giá chấp nhận được. Họ thích quần áo có thể giặt được, không co, ít phai màu, ít phải là. Hầu hết người Canada có nhiều quần áo cho mỗi mùa, vì thường phải di chuyển nhiều trong công việc nên quần áo luôn được thiết kế phù hợp, thoải mái. Để tránh tia tử ngoại độc hại vào mùa hè, quần áo đòi hỏi chất liệu mát và nhẹ. Mùa rét, phải mặc nhiều lớp quần áo (thí dụ: áo sơ mi đi với áo len và/hoặc áo vét, cho phép người mặc di chuyển thoải mái từ nơi lạnh đến nơi ấm. Quần áo phụ nữ được bán từ cỡ nhỏ, tiêu chuẩn, và tăng đến cỡ lớn và ngoại cỡ).
Canada là nước nhập siêu hàng may mặc, chủ yếu từ các nước: Mỹ, Trung Quốc, Mê-hi-cô, Ấn Độ, Italy, Banladesh, Đài Loan, Hàn Quốc, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ. Dân Canada luôn có nhu cầu về quần áo làm từ sợi tự nhiên, ở mức giá cạnh tranh.
Tập quán thương mại
Canada được xếp vào hàng các nước có mức nhập khẩu hàng dệt may cao nhất tính trên đầu người. Các nhà xuất khẩu trên khắp thế giới đều đã hiện diện ở thị trường này, cạnh tranh khốc liệt và liên tục. Do vậy, để có thể thâm nhập được vào thị trường dệt may Canada, nhà xuất khẩu hoặc phải đưa ra được một sản phẩm mới hoàn toàn, hoặc phải đảm bảo có được một nguồn cung và chào hàng hấp dẫn về chất lượng, dịch vụ, giá cả, bao gói và nhãn mác so với cùng loại mặt hàng đang tiêu thụ trên thị trường. Dưới đây là một số điểm các nhà xuất khẩu cần lưu ý khi thâm nhập thị trường may mặc Canada:
· sản xuất nhanh hàng mẫu;
· trả lời thư từ giao dịch ngay trong ngày (bằng email, fax, điện thoại);
· giao hàng đúng hạn (trễ chỉ khi có sự nhất trí trước với người mua);
· giao hàng đúng mẫu hay qui cách thỏa thuận;
· nguồn cung ổn định và đều đặn;
· chất lượng cao, mức giá cạnh tranh;
· vật liệu bao gói phù hợp;
· phương tiện lưu trữ và làm hàng thích hợp;
· khuyến mại, đặc biệt đối với sản phẩm mới;
· có kiến thức về phương thức thanh toán.
Ngoài ra, người giao dịch cần nói, viết tốt tiếng Anh hoặc tiếng Pháp, tùy theo yêu cầu của nhà nhập khẩu. Nhà nhập khẩu hàng may mặc của Canada thường đeo đuổi các chiến lược:
· thích ứng nhanh với quá trình toàn cầu hóa bằng cách trở thành người chơi trên thị trường ngách, hoặc đi chuyên theo sản phẩm hoặc thị trường;
· nhạy cảm trong việc cải thiện kỹ năng tiếp thị và kiến thức về thị trường ngoài nước;
· lưu tâm đến phát triển sản phẩm và sản xuất ra các sản phẩm thân thiện với môi trường và đảm bảo chất lượng.
 

Nguồn: Vinanet