Căn cứ Đạo luật về nhãn hàng hoá (The Merchandise Marks Act, 1941 - Act No. 17 of 1941), Bộ Công thương Nam Phi ban hành quy định mới về dán nhãn “nước xuất xứ”. Theo đó, từ ngày 14/4/2007, quy định mới về dán nhãn “nước xuất xứ” (country of origin labelling) sẽ có hiệu lực.
Theo quy định mới này Nam Phi sẽ không cho phép nhập khẩu hoặc lưu hành hàng hoá, bất kể hàng hoá đó được sản xuất tại Nam Phi hay không, nếu không có chỉ dẫn rõ ràng về nước xuất xứ.  Quy định mới này nhằm chấm dứt gian lận về xuất xứ.

Bộ Công thương cho biết, nhiều sản phẩm hàng hoá nhập vào Nam Phi được dán nhãn sai xuất xứ, chỉ dẫn xuất xứ từ Nam Phi trong khi trên thực tế không phải như vậy.

Quy định này áp dụng đối với sản phẩm dệt liệt kê tại các chương từ 50, 51, 52, 53, 54, 55, 56, 57, 58, 59, 60 và 63 của biểu thuế HS; các sản phẩm may mặc liệt kê tại chương 61, 62 và 65; sản phẩm giàydép và sản phẩm da liệt kê tại các chương 42, 43 và 64.

Các công ty bán lẻ phải gắn nhãn trên đó chỉ rõ nước sản xuất, nước xuất xứ, chỉ dẫn địa điểm nơi các nhà sản xuất hàng dệt sử dụng vải nguyên liệu để nhuộm, in hoặc sản xuất thành phẩm, chỉ rõ nếu sản phẩm dệt đó được nhuộm, in hoặc hoàn thành tại Nam Phi; chỉ dẫn “sản xuất tại Nam Phi từ nguyên liệu nhập khẩu” nếu sản phẩm được sản xuất tại địa phương nhưng sử dụng nguyên liệu nhập khẩu. Sản phẩm cần được dán nhãn có chỉ dẫn rõ ràng “made in SA” nếu sản phẩm đó được sản xuất toàn bộ tại Nam Phi, nếu không sẽ không được coi là sản xuất tại Nam Phi. Sản phẩm phải có chỉ dẫn rõ ràng nếu sản phẩm đó được tái chế, phục hồi tại nước nào. Sản phẩm đồng thời phải tuân thủ quy định của Cục Tiêu chuẩn Nam Phi (South African Bureau of Standards) về thành phần sợi và ghi nhãn.

Các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất và xuất khẩu hàng dệt may, giày dép và sản phẩm da sang thị trường Nam Phi, các doanh nghiệp Việt Nam tại Nam Phi nhập khẩu các mặt hàng này từ Việt Nam để bán tại Thị trường Nam Phi và các doanh nghiệp Việt Nam đang có kế hoạch xâm nhập thị trường Nam Phi cần lưu ý, tìm hiểu kỹ và tuân thủ quy định mới này. Cục Tiêu chuẩn Nam Phi và Hải quan Nam Phi sẽ kiểm tra hàng nhập khẩu, nếu phát hiện hàng không đáp ứng yêu cầu trên, sẽ bắt giữ hàng hoá. Vi phạm quy định trên có thể dẫn tới trách nhiệm hình sự hoặc nộp phạt hoặc cả hai.

(Bộ Công Thương)

 

Nguồn: Vinanet