Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương (phó trưởng đoàn đàm phán Chính phủ), cho biết, trên phương diện kinh tế, cùng với những thỏa thuận về thương mại và đầu tư trước đó, Hiệp định VJEPA sẽ góp phần tạo nên một hành lang pháp lý hoàn chỉnh, ổn định, tạo thuận lợi cho các hoạt động thương mại - đầu tư của doanh nghiệp hai bên.
Trong bối cảnh mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước đang bước sang giai đoạn phát triển mới, việc ký kết Hiệp định VJEPA chắc chắn sẽ góp phần phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của mỗi bên và nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư.
Hiệp định qui định 3 nội dung cơ bản là trong vòng 10 năm tới, 92% kim nghạch thương mại hai chiều sẽ được miễn thuế hoàn toàn. Phía Nhật Bản sẽ miễn thuế 95% các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, đồng thời phía Việt Nam cũng đáp ứng miễn thuế 88% mặt hàng xuất khẩu của Nhật Bản.
Mở cửa hơn nữa thị trường cho nông sản xuất khẩu là một trong các lợi ích lớn nhất mà VN thu được từ Hiệp định VJEPA. Theo hiệp định, Nhật Bản sẽ giảm thuế về 0% cho 86% giá trị xuất khẩu nông sản từ VN sang Nhật Bản, trong đó 70% sẽ được thực hiện ngay khi hiệp định có hiệu lực. Đây là mức mở cửa thị trường cao nhất mà Nhật Bản cam kết với một nước ASEAN.
Trong số 30 mặt hàng nông sản mà VN có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất sang Nhật Bản, 23 mặt hàng sẽ được hưởng mức thuế 0% trong vòng tối đa 10 năm. Nhiều mặt hàng ta có thế mạnh như tôm, cua, mật ong, sầu riêng, vải... sẽ được Nhật Bản giảm thuế nhiều hơn so với các nước ASEAN khác.
Các tiêu chuẩn kỹ thuật của thị trường Nhật Bản được áp dụng chung cho hàng hóa của mọi quốc gia, không riêng gì hàng hóa của Việt Nam. Nhận thức rõ yêu cầu của thị trường, lưu ý tới thực trạng hàng hóa của ta, bên cạnh các cam kết về cắt giảm thuế, ta và Nhật Bản đã thảo luận các chương trình hợp tác nhằm nâng cao năng lực cho VN trong lĩnh vực vệ sinh, an toàn thực phẩm (SPS).
Hiệp định có hẳn một chương riêng về hợp tác SPS, theo đó Nhật Bản sẽ hỗ trợ VN thành lập một trung tâm SPS để nâng cao năng lực kiểm định, kiểm dịch cho VN. Ngoài ra, Nhật Bản cũng cam kết sẽ tiếp tục thảo luận về việc hai bên từng bước công nhận tiêu chuẩn của nhau, tạo thuận lợi hơn nữa cho thương mại nông sản giữa hai nước.
Đối với mặt hàng gạo, thì không được đưa vào đàm phán trong hiệp định nên mức thuế và các hàng rào kỹ thuật vẫn không thay đổi. Về vấn đề này thì không chỉ với Việt Nam mà với tất cả các nước đã ký EPA với mình, Nhật Bản chưa bao giờ cam kết giảm thuế cho mặt hàng gạo. Nói chung, mỗi quốc gia đều có những lĩnh vực nhạy cảm riêng, ta cũng vậy mà bạn cũng vậy. Tuy nhiên, với mặt hàng gạo, các doanh nghiệp VN vẫn có thể tiếp tục xuất khẩu sang thị trường này theo các điều kiện thương mại thông thường.
Về nội dung hiệp định có đề cập vấn đề di chuyển thể nhân, trong đó phía Nhật chỉ chấp nhận lao động VN ở một phạm vi hẹp, với nhiều điều kiện khó như: với nghề y tá, lao động VN phải có chứng chỉ quốc gia về y tá của Nhật Bản thì mới được làm việc và hưởng lương như người bản địa. Phía Nhật hiểu nhu cầu của VN trong việc đưa y tá và điều dưỡng viên sang Nhật Bản làm việc lâu dài. Tuy nhiên, do điều kiện của ta có khác so với một số nước ASEAN khác (chưa có tiêu chuẩn quốc gia và hệ thống cấp chứng chỉ quốc gia về hành nghề y tá, chưa có truyền thống cử y tá sang làm việc tại các nước phát triển) nên cách tiếp cận của hiệp định này cũng khác.
Cụ thể, Nhật Bản cam kết dành cho ta một khoản ODA để đào tạo mỗi năm 200-300 y tá tại Nhật Bản. Sau khi có chứng chỉ, họ có thể ở lại Nhật làm việc tới bảy năm. Cùng với đó, Nhật Bản sẽ hỗ trợ ta xây dựng hệ thống kiểm định và cấp chứng chỉ hành nghề, trong đó có cả nghề y tá. Nhật cũng đồng ý trong vòng một năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực, sẽ nối lại đàm phán về di chuyển thể nhân với VN để cải thiện điều kiện tiếp cận thị trường cho y tá, điều dưỡng viên và các ngành nghề khác.
Xét về dài hạn, đây là cách tiếp cận có lợi. Trong thời gian chờ xây dựng hệ thống tiêu chuẩn và cấp chứng chỉ hành nghề, ta vẫn có thể cử người sang Nhật học nghề và sau đó là hành nghề. Cơ chế này còn giúp ta có được một lực lượng lao động chất lượng cao, có thể làm việc tại nhiều nước phát triển khác chứ không riêng Nhật Bản.
VN đang xuất siêu sang Nhật, nhưng có ý kiến cho rằng cán cân này sẽ ngược lại khi hiệp định được thực thi do chúng ta đã “mở cửa” quá rộng, đưa ra quá nhiều thuế suất 0% cho hàng công nghiệp của Nhật Bản. Theo Vụ Trưởng, đàm phán là có đi, có lại. Ta muốn mở cửa thị trường của người khác thì cũng phải cân nhắc mở cửa thị trường của mình, miễn sao thu được kết quả đàm phán cân bằng, chấp nhận được cho cả hai bên. Nguyên tắc cơ bản trong đàm phán thuế công nghiệp với Nhật Bản là đưa ra lộ trình giảm thuế dài hơn cho những ngành mà ta đã có sản xuất hoặc có khả năng sản xuất trong tương lai gần, tạo điều kiện cho những ngành này có thêm thời gian nâng cao sức cạnh tranh trước khi mở cửa hoàn toàn. Một số lĩnh vực quá nhạy cảm thì giữ nguyên thuế, hoặc nếu có giảm chỉ giảm một phần. Bên cạnh đó, cũng phải tính đến tác động có lợi từ việc giảm thuế cho những sản phẩm công nghiệp của Nhật Bản mà doanh nghiệp của ta thật sự cần. Theo tôi, kết quả đàm phán cuối cùng là khá cân bằng và có lợi cho cả hai bên.
Về hàng hóa, biên độ mở trong Hiệp định VJEPA là lớn hơn so với cam kết khi gia nhập WTO. Điều đó cũng đúng thôi vì VJEPA là hiệp định thương mại tự do, về nguyên tắc phải có độ mở lớn hơn WTO, cả với ta và Nhật Bản. Bạn cũng phải mở cửa hơn so với những gì mà bạn đã cam kết với WTO chứ không riêng gì ta.
Về dịch vụ, cam kết của ta cơ bản giống với cam kết khi gia nhập WTO. Ngược lại, Nhật Bản dành cho ta cam kết cao hơn rất nhiều so với cam kết mà Nhật đã đưa ra tại WTO. Về lâu dài, khi các nhà cung cấp dịch vụ của VN đã lớn mạnh, họ sẽ thu được nhiều lợi ích từ những cam kết này.
Nhà nước đàm phán các hiệp định để khai phá thị trường. Tuy nhiên, đó mới là điều kiện cần. Điều kiện đủ vẫn thuộc về doanh nghiệp. Hy vọng các doanh nghiệp Việt Nam sẽ khai thác được các cơ hội do Hiệp định VJEPA mang lại. Với việc Nhật xóa bỏ hàng rào thuế, họ sẽ có cơ hội để cạnh tranh về giá với các đối thủ khác trên thị trường Nhật.
Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào giá, lợi thế cạnh tranh sẽ không bền. Điều cốt lõi vẫn phải là nâng cao năng lực quản trị, năng lực cạnh tranh và chất lượng sản phẩm, những yếu tố bảo đảm thành công ổn định, lâu dài. Hiệp định là nấc thang đưa bạn lên một vị trí mới thuận lợi hơn, nhưng có trụ lại được ở vị trí đó và phát triển tiếp hay không lại phụ thuộc nhiều vào chính bạn.
Về phía mình, Bộ Công thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành để phổ biến rộng rãi nội dung của hiệp định, giúp các tổ chức, doanh nghiệp hiểu rõ hơn, từ đó tận dụng được các cơ hội mà hiệp định đem lại. Dự kiến năm 2008, kim ngạch thương mại hai nước sẽ đạt trên 15 tỷ USD, vượt 2 năm so với thời hạn 2010 mà lãnh đạo cấp cao hai nước đề ra.

Nguồn: Vinanet