Trong đó, có 40 đại biểu cấp cao (Bộ trưởng/tương đương của các quốc gia biển/đảo đang phát triển); những người đứng đầu các tổ chức quốc tế và các cơ quan liên quan đến biển của Liên hợp quốc (LHQ) với tư cách là khách mời, như Thủ tướng CP Nguyễn Tấn Dũng, Phó Tổng thư ký LHQ, Chủ tịch GEF (Quỹ Môi trường toàn cầu), UNEP (Chương trình hành động toàn cầu về bảo vệ môi trường biển)...

Viện trưởng Viện Kinh tế và quy hoạch thuỷ sản (Bộ NN-PTNT), cho biết, chủ đề chính của Hội nghị toàn cầu về đại dương, vùng biển và hải đảo lần này là: Đẩy mạnh việc quản lý hệ sinh thái và quản lý tổng hợp vùng bờ và đại dương vào năm 2010 trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu.

Hội nghị do Diễn đàn toàn cầu về đại dương, vùng bờ, hải đảo và Chính phủ Việt Nam phối hợp tổ chức. 

Việt Nam đã được lựa chọn trong số 5 quốc gia đăng cai xin tổ chức hội nghị (gồm Trung Quốc, Pháp, Indonesia và Chilê) nhờ những thành tích ấn tượng trong phát triển kinh tế nói chung, trong đó có kinh tế biển và thủy sản. Đồng thời, Việt Nam cũng thực hiện thành công các chính sách đổi mới trong bối cảnh hội nhập quốc tế; sau tiếng vang tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh APEC, cũng như có các điều kiện thuận lợi về khách sạn, điểm tham quan, du lịch...

Việt Nam cũng là nước đầu tiên được thử nghiệm chọn (the first pilot country) để thống nhất đưa công việc của các cơ quan Liên hợp quốc thực hiện ở cấp quốc gia thông qua Chương trình thử nghiệm "Chỉ có 01 LHQ-One UN”.

Hơn nữa, Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò, vị thế của mình trên trường quốc tế trong lĩnh vực quản lý biển, vùng bờ và nghề cá gắn với xoá đói giảm nghèo.

Do vậy, Hội nghị lần thứ IV về đại dương, vùng bờ và hải đảo tại Hà Nội sẽ là cơ hội để đưa thế giới đại dương đến với Việt Nam, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam, vị thế của biển và ngành thuỷ sản. Điều quan trọng là qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các cán bộ Việt Nam tham dự, tiếp cận và chia sẻ các thông tin, kinh nghiệm quản lý về biển và đại dương tiên tiến nhất.

Đồng thời, góp phần quảng bá hình ảnh một "Việt Nam biển” trên con đường đổi mới và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế trong bối cảnh nước ta đã là thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cũng như thúc đẩy việc thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.

Trong suốt quá trình diễn ra hội nghị, Ban quản lý danh thắng vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) sẽ có một góc trưng bày để giới thiệu và vận động các đại biểu bình chọn vịnh trở thành một trong 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới.

Ngoài các phiên họp toàn thể, hội nghị sẽ tổ chức 13 hội thảo bên lề (3-6/4). Trong đó, có hai hội thảo do Việt Nam tổ chức với chủ đề: Hội thảo quốc tế lần II về "Quản lý nuôi trồng dựa vào hệ sinh thái” và Hội thảo về "Quản lý khu bảo tồn biển: Các bài học từ thực tế Việt Nam”. Tại hội nghị, các nhà khoa học về đại dương, biển của Việt Nam sẽ trình bày báo cáo liên quan đến chủ đề: Biến đổi khí hậu toàn cầu và tác động đến nghề cá Việt Nam.

Diễn đàn toàn cầu về đại dương, vùng bờ và hải đảo là tổ chức hoạt động dưới sự bảo trợ của LHQ, với sự tham gia hỗn hợp của các cơ quan/nhà lãnh đạo về biển và đại dương của các quốc gia, các tổ chức của LHQ, các tổ chức phi chính phủ, lĩnh vực tư nhân, các nhà tài trợ, các cơ quan khoa học và đào tạo. Diễn đàn là nơi xây dựng và triển khai Chương trình nghị sự về đại dương.

Hội nghị toàn cầu về đại dương, vùng bờ và hải đảo là phương thức quan trọng để diễn đàn thảo luận các vấn đề liên/đa ngành, phân tích chính sách và huy động kiến thức, các nguồn lực trong lĩnh vực quản lý và phát triển đại dương, biển, vùng bờ và hải đảo; xây dựng sự đồng thuận và niềm tin trong việc tư vấn giải quyết các vấn đề ở cấp độ toàn cầu, khu vực và quốc gia.

Hội nghị toàn cầu lần thứ I được tổ chức năm 2001; hội nghị lần thứ II diễn ra năm 2003 và hội nghị toàn cầu lần thứ III diễn ra năm 2006, đều được tổ chức tại trụ sở UNESCO, Paris (Pháp).

(VNN)

Nguồn: Vinanet