Ngay cả khi thị trường phân phối chưa mở cửa hoàn toàn thì từ nhiều năm nay, vào những thời điểm nhạy cảm của mùa vụ, nông dân đã phải đối mặt với những đợt khan hàng giả tạo và tăng giá đột biến các chủng loại phân bón mà Việt Nam lệ thuộc nước ngoài như urê, DAP, Kali.
 
Theo Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam Nguyễn Hạc Thúy, nguyên nhân là do hệ thống phân phối phân bón chưa có được mối liên kết chặt chẽ từ nhà sản xuất và nhập khẩu đến nông dân, trong khi đó, khả năng kiểm soát giá cả của doanh nghiệp đối với đại lý yếu, làm giảm khả năng can thiệp của Nhà nước vào các thời điểm nhạy cảm, càng làm cho thị trường trong nước dễ bị "tổn thương" khi thị trường thế giới biến động. Hiện nay, các nhà nhập khẩu và sản xuất không bán trực tiếp phân bón đến tay người nông dân mà thông qua các đại lý cấp 1 với phạm vi quản lý là vùng hoặc tỉnh. Từ các đại lý cấp 1 này, thông qua các đại lý cấp 2, cấp 3 và hệ thống các cửa hàng, phân bón mới đến được tay nông dân. Với quãng đường vòng như vậy, giá phân bón bị đẩy lên từ 10-20 đồng/kg khi qua mỗi cấp. Thực trạng này cho thấy Việt Nam chưa có doanh nghiệp và hệ thống phân phối phân bón đủ mạnh để kiểm soát và chi phối thị trường. Hơn thế, thị trường kinh doanh phân bón hiện đang bị thả nổi hoàn toàn, nhất là ở các khâu trung gian trong phân phối.

Theo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều biện pháp điều hòa cung - cầu như áp dụng thuế nhập khẩu 0%, ưu đãi giá đầu vào...nhưng trên thực tế, việc quản lý, điều hành còn nhiều bất cập do chưa có hệ thống chính thức theo dõi cập nhật thông tin chính xác để điều tiết sản xuất trong nước cũng như nhập khẩu. Trong khi đó, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón chưa thành lập được quỹ dự trữ lưu thông; mạng lưới cung ứng chồng chéo, vòng vèo, đẩy chi phí lên cao. Tình trạng độc quyền, liên minh độc quyền, đầu cơ, găm hàng đã xuất hiện nhưng chưa được kiểm soát, xử lý.

*Tăng sức đề kháng
Các chuyên gia cho rằng: Việc nông nghiệp đóng góp trên 20% vào GDP và là nền tảng của sự ổn định thì phân bón vẫn phải là một trong những mặt hàng trọng yếu cần sự kiểm soát của nhà nước.

Vì vậy trước mắt, cần hoạch định chính sách phát triển và xác lập cơ chế quản lý nhà nước với ba hệ thống phân phối chủ yếu, trong đó có hệ thống phân phối hàng hóa trọng yếu với sản xuất và tiêu dùng gồm: xăng dầu, thép xây dựng, phân bón, xi-măng, gạo. Bên cạnh đó, cần khẩn trương quy hoạch và lập chương trình phát triển hệ thống phân phối từ bán buôn đến bán lẻ thống nhất và thông suốt trên phạm vi cả nước, trong đó lấy doanh nghiệp nhà nước hoặc doanh nghiệp cổ phần có tỷ trọng vốn chi phối của Nhà nước làm nòng cốt. Hệ thống ngành dọc phải có các đơn vị tập trung và phát luồng, có tổng kho và kho phân phối; có các công ty, chi nhánh và mạng lưới cửa hàng bán lẻ rộng khắp trên các địa bàn. Riêng các doanh nghiệp sản xuất phân bón cần thiết lập hệ thống phân phối đến tận huyện, xã, mở rộng kênh bán hàng trực tiếp đến nông dân.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, vấn đề quan trọng hiện nay là Nhà nước cần chỉ đạo ngay việc bao tiêu phân đạm sản xuất trong nước theo cơ chế thị trường, với một hệ thống đủ mạnh gồm 4-5 nhà nhập khẩu lớn gắn kết với 2 nhà máy sản xuất phân đạm trong nước là Phú Mỹ và Hà Bắc để cung ứng phân đạm từ nơi sản xuất hay cảng nhập đến thẳng người sử dụng, thống nhất một giá bán cho nông dân theo các vùng cung ứng. Trước mắt, Nhà nước giao cho Hiệp hội Phân bón Việt Nam làm đầu mối tổ chức hệ thống bao tiêu, cung ứng phân bón. Các Bộ ngành liên quan giám sát hệ thống và các ngân hàng thương mại tạo điều kiện về vốn vay để hệ thống hoạt động hiệu quả, phục vụ đắc lực cho sản xuất nông nghiệp và ổn định giá bán phân bón hợp lý tới nông dân.

Hiệp hội Phân bón cho biết: Với sự qui tụ trên 30 nhà nhập khẩu và hầu hết các doanh nghiệp sản xuất phân bón lớn nhất cả nước, nếu được nhà nước giao nhiệm vụ tổ chức hệ thống phân phối phân bón, Hiệp hội sẽ sớm xây dựng qui chế đưa phân bón ra thị trường; tổ chức hệ thống bán hàng hợp lý, có sự phân vùng chặt chẽ để tránh sự cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường, đảm bảo giá phân bón đến tay người nông dân với chi phí thấp nhất.

Lúc này, chỉ có sức mạnh đoàn kết của doanh nghiệp thông qua các Hiệp hội sẽ là “liều thuốc đề kháng” tốt nhất giúp doanh nghiệp vượt qua thách thức khó khăn.

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam