Trong năm 2015, Australia đã đưa ra một số chính sách về kinh tế, cụ thể như sau:

(i) Chính sách tài khóa 2015

Khẩu hiệu trong chính sách tài khóa 2015 của Australia là “Việc làm, Tăng trưởng và Cơ hội”.

Để hỗ trợ khuyến khích đầu tư, Chính phủ đưa ra gói ngân sách 5,5 tỷ AUD, trong đó có 5 tỷ hỗ trợ bằng cách cắt giảm thuế để tạo việc làm và thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Tất cả các doanh nghiệp nhỏ sẽ được khấu trừ thuế ngay lập tức khi mua mỗi một loại tài sản trị giá dưới 20.000 AUD. Số lượng tài sản không bị hạn chế, miễn là trị giá dưới 20.000 sẽ được giảm thuế. Chương trình này kéo dài đến tháng 6/2017. Ngân sách mới cũng giảm thuế cho 90% doanh nghiệp nhỏ, có doanh thu hàng năm dưới 2 triệu AUD, thuế doanh nghiệp sẽ giảm 1,5% xuống còn 28,5% kể từ tháng 7/2015. Chính phủ cũng quyết định giảm thuế 5% cho các cơ sở sản xuất tự doanh (unincorporated).

Ngoài ra Chính phủ cũng trợ cấp lương cho các lao động mới được nhận vào làm việc tại các doanh nghiệp trong thời gian 6 tháng đầu tiên. Chính phủ còn có gói 300 triệu AUD cho Chiến lược tạo việc làm cho thanh niên để giúp đối tượng này tìm kiếm việc làm thuận lợi hơn.

Chính phủ Australia cũng đưa ra Chương trình cải cách hệ thống thuế trong đó có Luật tránh thuế đa quốc gia/ Multinational Anti-Avoidance Law, nhằm ngăn chặn tình trạng các công ty đầu tư của nước ngoài, công ty đa quốc gia hoạt động trên lãnh thổ Australia tìm cách tránh nộp thuế.

(ii) Hoạch định chính sách tiền tệ

Chính phủ Australia chủ trương là chính sách tiền tệ vừa phải đảm bảo góp phần thực hiện mục tiêu lạm phát trung hạn vừa phải phải làm sao cho không hạn chế hoạt động kinh tế một cách không cần thiết.

Tỷ lệ lãi suất và tỷ giá hối đoái cần phải hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế bền vững. Tăng trưởng bền vững luôn gắn liền với việc duy trì áp lực lạm phát trong tầm kiểm soát.

Khi xem xét áp lực lạm phát bên cạnh các chỉ số quan trọng như tốc độ tăng trưởng GDP hàng quý, chỉ số tiền lương, tốc độ tăng trưởng tín dụng, thuế suất, tăng trưởng xuất khẩu, nhập khẩu thì Australia thường chú trọng đến biến động của Chỉ số giá sản xuất hay còn gọi là Chỉ số giá người sản xuất (Producer’s Price Index - PPI). Bởi vì, biến động của chỉ số giá người sản xuất là hệ quả của biến động chi phí đầu vào trong đó có giá nguyên nhiên vật liệu, tiền lương của người lao động và thuế suất các loại. Ở Việt Nam, mặc dù Tổng cục Thống kê đã công bố PPI nhưng dường như chỉ số này chưa dành được sự quan tâm thích đáng trong hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô nói chung và chính sách tiền tệ nói riêng.

(iii) Duy trì tỷ lệ lãi suất thấp

Nền kinh tế Australia đã liên tục tăng trưởng trong suốt 25 năm qua. Tuy nhiên nội tại nền kinh tế Australia cũng bộc lộ cả điểm mạnh và cả những khiếm khuyết. Nền kinh tế Australia đang trong quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chỗ chủ yếu dựa vào các ngành khai thác tài nguyên sang tạo động lực thúc đẩy phát triển các ngành khác trong đó chú trọng hỗ trợ tạo việc làm và nâng cao năng suất lao động.

Trong năm 2014 và tiếp tục trong nửa đầu 2015, nền kinh tế đang bị ảnh hưởng nặng nề của suy thoái kinh tế, đặc biệt là giảm giá hàng xuất khẩu trong đó đặc biệt là quặng sắt, nguồn thu lớn của Australia. Sản lượng quặng sắt của Australia chiếm 1/3 sản lượng quặng của toàn cầu. Mặt hàng này là một trong những động lực chính cho tăng trưởng kinh tế và là nguồn thu quốc gia của Australia trong suốt 10 năm qua.

Giá xuất khẩu quặng sắt của Australia chỉ còn 1/2 so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu thô từ Trung Quốc và Nhật Bản cũng chậm lại do kinh tế Trung Quốc giảm nhịp độ tăng trưởng, kinh tế Nhật cũng đang gặp khó khăn. Do khai thác mỏ đang gặp khó khăn, phải thu hẹp sản xuất, sa thải lao động, nên tỷ lệ thất nghiệp của Australia luôn ở mức 6-6,5% trong thời gian qua.

Sự suy yếu của sản xuất trong nước, đặc biệt là ngành khai thác mỏ, cộng thêm việc USD tăng giá đã tạo áp lực cho đồng AUD, làm cho AUD liên tục bị mất giá. Tuy nhiên chính phủ Australia không có biện pháp can thiệp trực tiếp để giữ hoặc nâng tỷ giá hối đoái. Biện pháp của Australia chủ yếu tập trung vào việc kiểm soát lãi suất sao cho hợp lý.

Trong bối cảnh cầu tiêu dùng trong nước và cầu từ thị trường nước ngoài yếu đi, Chính phủ Australia chấp nhận tỷ giá hối đoái AUD/USD thấp, giúp khuyến khích xuất khẩu hàng hóa của Australia ra nước ngoài do hàng hóa của Australia trở nên rẻ hơn so với trước đây khi tỷ giá cao. Thực tế xuất khẩu của Australia tính đến cuối quý I năm 1015 vẫn tăng mạnh, một phần là chính sách tỷ giá hối đoái thấp, một phần có một số cơ sở khai thác mới cho ra sản phẩm, bổ sung vào nguồn xuất khẩu trong đó có cơ sở chế biến khí hóa lỏng.

Do lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát, dự kiến cả năm 2015 là 2,25-2,5%, nên Chính phủ Australia vẫn tiếp tục hạ lãi suất để khuyến khích đầu tư trong nước, kích cầu tiêu dùng của hộ gia đình trong đó có khuyến khích cho vay đầu tư bất động sản, một trong những động lực thúc đẩy tăng trưởng trong thời gian gần đây của Australia. Tốc độ tăng trưởng tín dụng đầu tư bất động sản vẫn tăng trưởng ổn định, tăng 10% mỗi năm và dự kiến vẫn giữ đà tăng trưởng này trong những năm tới, trong đó chủ yếu tập trung vào khu vực các thành phố lớn như Sydney và Melbourne. Ngoài ra chính sách tỷ lệ lãi suất thấp cũng giúp kích cầu tiêu dùng trong nước. Các chỉ số thống kê cho thấy chi tiêu dùng trong nước vẫn khả quan, mặc dù nền kinh tế Australia đang ở trong thời kỳ khó khăn.

 (iv) Liên kết kinh tế/Mở rộng thị trường xuất khẩu

Trong những năm qua đặc biệt là năm 2014, Australia đã tích cực đàm phán và đã ký kết FTA với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Nhờ các hiệp định này xuất khẩu sản phẩm có thể mạnh của Australia như khai thác mỏ, năng lượng và nông nghiệp của Australia sẽ tiếp cận vào các thị trường này dễ dàng được hưởng tỷ lệ lãi suất thấp hơn trước đây. Bên cạnh đó Australia cũng là nước tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái bình dương TPP. TPP sẽ mở ra cơ hội cho xuất khẩu hàng nông sản và nguyên liệu thô sang các nước thành viên trong đó có cả việc xuất khẩu hàng nông sản của Australia sang Mỹ, quốc gia được xem là vẫn thực hiện chính sách bảo hộ hàng nông sản.

 (v) Quan hệ với Ngân hàng AIIB: Ngân hàng đầu tư hạ tầng châu Á

Ý tưởng thành lập AIIB đã được Trung Quốc đưa ra vào năm 2013 nhân chuyến thăm Indonesia bên lề hội nghị APEC và đã được ra mắt vào tháng 10/2014 tại Bắc Kinh. Vốn ban đầu dự kiến là 100 tỷ USD. Tính đến ngày 15/4/2015 đã có 57 nước thành viên sáng lập đăng ký trong đó gồm hầu hết các nước châu Á trừ Bắc Triều Tiên và Đài Loan bị từ chối và hầu hết các nước lớn ngoài châu Á là Mỹ và Canada. AIIB dự kiến sẽ chính thức đi vào hoạt động vào cuối năm 2015.

Lẽ ra Australia đã quyết định tham gia Ngân hàng đầu tư hạ tầng châu Á vào tháng 11/2014. Tuy nhiên có những yếu tố cản trở quyết định này của Australia.

Ban đầu, Australia vẫn còn lưỡng lự vì e ngại về rủi ro và năng lực quản trị của Ngân hàng AIIB. Bên cạnh đó cũng có quan ngại về việc Trung Quốc sẽ chiếm quyền kiểm soát ngân hàng và chỉ mang lại lợi ích cho chính Trung Quốc, trong khi các nước châu Á khác sẽ bị thua thiệt. Bên cạnh đó Chính phủ Australia cũng bị sức ép của Mỹ, không muốn Australia tham gia AIIB. Bản thân nội bộ chính trường Australia cũng có ý kiến chưa nên vội vàng tham gia mà nên thận trọng, chờ thêm thời gian rồi mới nên đưa ra quyết định. Tuy vậy, cũng có tiếng nói ngày càng mạnh mẽ trong chính trường Australia là Australia nên tránh sự phụ thuộc vào chính sách của Mỹ và ưu tiên cho lợi ích của Australia. Đặc biệt không nên làm phương hại đến quan hệ với Trung Quốc bởi Trung Quốc là bạn hàng lớn nhất của Australia.

Trong quá trình đàm phán với các nước đã là thành viên của AIIB, Australia đưa ra đề nghị cần phải có bộ máy điều hành hiệu quả thì mới đảm bảo tốt cho AIIB. Tuy nhiên đề nghị của phía Australia đã bị các bên tham gia đàm phán bác bỏ.

Tuy nhiên, ngày 29/3/2015 Chính phủ Australia đã tuyên bố sẽ tham gia ngân hàng AIIB. Trước đó Ấn Độ, Singapore, Vương quốc Anh, New Zealand, Pháp, Đức và Italia tuyên bố tham gia AIIB.

Nguồn: vietnamexport.com

Nguồn: Tin tham khảo