Hàng xuất khẩu của Việt Nam xuất siêu sang nước này nhưng tỷ trọng so với tổng trị giá nhập khẩu của Na Uy còn rất ít, chỉ chiếm khoảng 0,25% nên được hoan nghênh và không vướng mắc về rào cản. Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đều nằm trong nhóm hàng Na Uy đã giảm hoặc ít sản xuất, trong khi nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng.

Tuy có những thuận lợi, nhưng do dân số Na Uy ít nên các đơn hàng thường chỉ đặt với số lượng nhỏ, lại có sự đòi hỏi chất lượng cao, mẫu mã thay đổi thường xuyên. Trong khi đó, hàng xuất khẩu của Việt Nam mẫu mã còn đơn giản, khâu sáng tác, thiết kế mẫu chưa có sức thuyết phục, bên cạnh đó còn có sự cạnh tranh ngày càng gay gắt với hàng xuất khẩu của các nước châu Á khác.

Na Uy có rất nhiều tập đoàn mạnh về công nghiệp nhưng về thương mại lại ít, hệ thống bán buôn và hệ thống siêu thị lớn chủ yếu do các tập đoàn thương mại lớn của Thuỵ Điển, Đan Mạch và các tập đoàn đa quốc gia chiếm lĩnh thị trường. Do vậy, để tiếp cận và tăng xuất khẩu vào thị trường này, các doanh nghiệp xuất khẩu có tiềm năng cần tiếp xúc với các tập đoàn lớn của Bắc Âu để chiếm lĩnh được kênh phân phối tại thị trường Na Uy.

Bên cạnh những tập đoàn lớn, Na Uy có rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ. Họ vừa nhập khẩu, vừa trực tiếp bán hàng nên rất phù hợp với các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam. Chính vì vậy, các nhà xuất khẩu Việt Nam cần tăng cường tiếp xúc và quan hệ với các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Na Uy để nắm bắt nhu cầu và chào hàng.

Các thương nhân của Na Uy cũng giống như các doanh nghiệp củâ Bắc Âu rất trọng chữ tín nên khi đã tạo dựng được tín nhiệm, có quan hệ tốt, hàng hoá bảo đảm chất lượng, giao hàng đúng thời hạn thì họ luôn giữ mối quan hệ lâu dài và ít thay đổi đối tác.

Nhu cầu thị hiếu của thị trường Na Uy gần giống như nhu cầu của thị trường Bắc Âu, vì vậy, khi hàng hoá đã xuất khẩu được vào thị trường các nước Bắc âu khác thì rất dễ thâm nhập được vào thị trường NaUy.

Để có thể tăng cường xuất khẩu, biện pháp hữu hiệu nhất là các doanh nghiệp nên tham gia hội chợ tại Na Uy và hội chợ tại các nước Bắc Âu. Hàng năm, Na Uy có tổ chức một số hội chợ chính, nhưng không nhiều. Đó là : Hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ và quà tặng (thágn 8), hội chợ hàng dệt may (tháng 5) và một số hội chợ chuyên đề nhưng chỉ dành cho các doanh nghiệp lớn như hội chợ triển lãm chuyên ngành đóng tàu biển vào tháng 6 hàng năm hoặc triển lãm chuyên ngành về dầu khí.

Trong khi đó, Thuỵ Điển và Đan Mạch lại tổ chức rất nhiều hội chợ lớn và các doanh nghiệp Na Uy đều sang tham dự, đây là dịp rất tốt để các nhà xuất khẩu gặp gỡ với nhiều nhà nhập khẩu của Bắc Âu, trong đó có các doanh nghiệp của Na Uy.

Các nhà nhập khẩu Na Uy rất chú trọng đến khâu sản xuất, họ thường xem xét rất kỹ khả năng sản xuất của nhà xuất khẩu. Trước khi ký hợp đồng, đặt hàng với số lượng lớn, họ thường đi thăm và tìm hiểu sản xuất, đôi khi họ trực tiếp hướng dẫn cho nhà xuất khẩu sản xuất theo yêu cầu. Do vậy các nhà xuất khẩu cần chuẩn bị tốt điều kiện và khả năng để giới thiệu với họ.

Các hiệp hội ngành hàng, hội đồng doanh nghiệp của Na Uy rất có uy tín và trợ giúp cho các doanh nghiệp thành viên, các nhà xuất khẩu có thể liên hệ với các hiệp hội ngành hàng để nhờ họ giới thiệu các doanh nghiệp nhập khẩu.

 

 

 

 

Nguồn: Vinanet