Theo nguồn tin từ Vụ Châu Phi Tây Á Nam Á,  Dubai là một trong những thành phố có nền kinh tế năng động nhất vùng Vịnh. Dubai có môi trường kinh doanh hấp dẫn các nhà đầu tư, có các khu vực mậu dịch tự do theo đó người nước ngoài được quyền sở hữu đầy đủ, có hệ thống ngân hàng mở và thực hiện chính sách tư nhân hóa mạnh mẽ.

Là một trong số 7 tiểu vương quốc của Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE), nhập khẩu của Dubai chiếm khoảng 70% tổng nhu cầu hàng hóa nhập khẩu của UAE. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu vào Dubai gồm có: hàng tiêu dùng, thực phẩm, xi măng, hàng tư liệu sản xuất và bán thành phẩm khác.

Dubai, cũng giống như các tiểu vương quốc khác của UAE, áp dụng mức thuế nhập khẩu tối đa là 4% trị giá CIF sản phẩm (gồm giá hàng, phí bảo hiểm, cước vận tải). Thực phẩm, dược phẩm và các hàng hóa nhu yếu phẩm khác được miễn thuế. Ngược lại, thuốc lá và rượu bị đánh thuế từ 25-50%.

 Giấy phép nhập khẩu vào Dubai:

 Chính sách nhập khẩu của Dubai phản ánh sự phụ thuộc lớn vào nhập khẩu. Ví dụ, các sản phẩm hàng hóa cho tiêu dùng cá nhân, có thể được nhập khẩu vào Dubai mà không cần giấy phép nhập khẩu.

 Các loại giấy chứng nhận quan trọng nhất phải có khi nhập khẩu vào Dubai, căn cứ vào các mặt hàng nhập khẩu cụ thể, trong đó đáng chú ý là:

 * Dược phẩm: phải được Bộ Y tế UAE thông qua. Thuốc và các mặt hàng dược phẩm khác không đăng ký với Bộ Y tế UAE sẽ bị cấm nhập khẩu..

 * Thịt đông lạnh và thịt tươi sống: giấy chứng nhận của Bộ Y tế; giấy chứng nhận giết mổ theo luật Hồi giáo. Đặc biệt, đối với các sản phẩm thịt bò và thịt lợn nhập khẩu vào Dubai cần tuân thủ chặt chẽ quy định phải có Giấy chứng nhận giết mổ theo tiêu chuẩn Halal và giấy chứng nhận y tế (được cấp tại quốc gia xuất khẩu).

 * Động vật sống và cây trồng: Giấy chứng nhận của Bộ Nông nghiệp. Giấy chứng nhận này chứng nhận động vật sống không bị nhiễm dịch bệnh hay cây trồng không bị sâu bệnh, không bị nhiễm phóng xạ và không sử dụng thuốc trừ sâu hay một số chất hóa học khác.

 Các mặt hàng bị hạn chế và/hoặc cấm nhập khẩu khác

 * Rượu, thịt lợn: ngoài những quy định chung, còn bị áp dụng những quy định nghiêm ngặt khác.

 * Các loại thực phẩm bị chiếu xạ: cấm nhập khẩu vào Dubai

 Một đặc điểm nổi bật trong chế độ nhập khẩu vào Dubai là việc Dubai dành đối xử ưu đãi đối với hàng hóa nhập khẩu từ bất kỳ quốc gia nào trong số các quốc gia thành viên của Hội đồng Hợp tác các nước Ả-rập vùng Vịnh (CCASG) gồm Ba-ranh, Cô-oét, Ô-man, Ca-ta và Ả-rập Xê-út. Theo đó, hàng hóa nhập khẩu vào Dubai từ những quốc gia này không phải chịu thuế nhập khẩu.

 Chứng từ nhập khẩu vào Dubai:

 Tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Dubai đều phải có bộ chứng từ nhập khẩu tiêu chuẩn. Theo đó, để được thông quan hàng hóa phải có các chứng từ cần thiết, bao gồm vận đơn đường biển (đối với hàng hóa vận chuyển bằng đường biển) hoặc vận đơn hàng không (đối với hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không), giấy chứng nhận xuất xứ, và các loại chứng từ khác được cấp bởi các cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu hoặc được xác nhận bởi đại sứ quán của UAE.

 Tạm nhập

 Quy định nhập khẩu của Dubai cho phép hàng hóa được tạm nhập khẩu miễn thuế và lưu kho tại bất kỳ khu kinh tế tự do nào tại Dubai. Tuy nhiên, linh kiện dùng để sản xuất các sản phẩm xuất khẩu sau đó thuộc diện bị đánh thuế.

 Vì thuế nhập khẩu tại Dubai thấp (có thể là thấp nhất thế giới), nên các nhà sản xuất trong nước không coi thuế là rào cản đối với công việc kinh doanh của họ.


Nguồn: Vinanet