Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam sang EU còn khá khiêm tốn. Năm 2007, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này vào EU đạt khoảng 600 triệu USD. Đồ gỗ của nước ta đã thâm nhập được vào hầu hết các nước EU trong đó những nước nhập khẩu chính là Anh, Pháp, Đức, Đan Mạch. Mục tiêu của ngành là đạt kim ngạch 780 triệu USD vào năm 2008, tăng 30% so với năm 2007.
Mặc dù tiêu thụ đồ nội thất rất lớn nhưng các nước EU cũng đặt ra nhiều quy định bắt buộc và phi bắt buộc đối với những nhà xuất khẩu thông qua những quy định pháp luật, qua nhãn  hiệu, ký mã hiệu và hệ thống quản lý của mỗi nước. Những yêu cầu này còn dựa trên mối quan tâm về môi trường, độ an toàn và sức khoẻ của người tiêu dùng.
Quy định pháp lý
Quy định chung của EU mang tính bắt buộc đối với tất cả những sản phẩm nhập khẩu vào thị trường các nước EU. Do đó, khi xuất khẩu vào thị trường này, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải tuân theo tất cả những yêu cầu và đảm bảo snr phẩm của mình phải phù hợp với những quy định đó. Các thông tin về những quy định đối với hàng nội thất được đăng trên website http://www.cbi.eu/marketinfo.
Thuế
Thuế nhập khẩu mặt hàng nội thất nhà bếp tại thị trường EU là 2,5%. Riêng các loại ghế ngồi và sản phẩm từ mây, trúc và liễu gai là 5,6%. Thông tin cập nhật về thuế nhập khẩu do hải quan ở Rotterdam, Hà Lan nắm giữ thông qua một hệ thống TARIC trực tuyến, được  hiểu là thuế hội nhập của cộng đồng các nước EU tại website http://www.douane.nl. Trong website này các doanh nghiệp xuất khẩu có thể tìm thấy mã HS của dòng sản phẩm mình quan tâm.
Hạn ngạch
Hiện nay không có giới hạn về số lượng đối với sản phẩm nội thất nhập khẩu vào EU. Tuy nhiên, theo quy định của hội đồng châu Âu, thuế chống bán phá giá có thể bị áp đặt đối với mặt hàng gỗ ép của các nước Đông Âu như Nga và Bulgaria.
Quy định phi luật định
Tiêu chuẩn chất lượng
Đó là những tiêu chuẩn mang tính quốc gia mà các nhà xuất khẩu cần hết sức chú ý. Đối với sản phẩm nội thất, người mua ở các nước EU đều mong muốn gỗ có chất lượng tốt như khô ráo, chịu lửa, không bị mối mọt, không bị nứt và được làm từ gỗ trưởng thành trong những cánh rừng được quản lý tốt. Chất lượng sản phẩm đang là một yêu cầu ngày càng quan trọng. Giờ đây người tiêu dùng EU quan tâm nhiều đến chất lượng hơn là giá cả. Nhiều người tiêu dùng Đức đã từ chối mua những sản phẩm nội thất rẻ tiền nhưng nhanh bị hỏng, nặng mùi và dễ bị biến dạng hoặc làm từ gỗ còn quá non.
Kích cỡ sản phẩm
Kích cỡ của đồ nội thất ở EU rất đa dạng. Nhìn chung, cỡ đồ nội thất ở đây thường nhỏ hơn so với những sản phẩm cùng loại được bán ở Hoa Kỳ, nơi mà nhà ở và các phòng cá nhân có xu hướng lớn hơn so với ở EU. Đồ dùng trong nhà ở Bắc Âu thường dài hơn ở Nam Âu nên các sản phẩm ở đó cũng yêu cầu lớn hơn. Đây cũng là một đặc tính quan trọng các doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý khi muốn xuất khẩu vào thị trường lớn này.
Kích cỡ một số đồ nội thất của Hà Lan
 
Sản phẩm
Đặc tính
Kích cỡ (cm)
Ghế dài (đi văng)
Chiều cao từ ghế tới đất
Chiều rộng ghế một chỗ ngồi
32-45
80-100
Ghế trong phòng ăn
Bàn ăn
Chiều cao
Chiều cao
Bán kính bàn tròn
72-76
35-60
105-130
Giá sách
Độ sâu
Chiều cao của 1 ngăn
Chiều rộng của 1 ngăn
35-50
40-120
60-90
Giường ngủ
Độ rộng của giường đơn
Độ rộng của giường đôi
80-90x200-220
140-200x200-220
Tủ quần áo
Chiều cao
Chiều rộng
Độ sâu
180-235
40-60-80-100
55-60
Đóng gói
Quãng đường vận chuyển từ Việt Nam đến EU là rất dài, do đó việc đóng gói, bảo quản sản phẩm trở nên đặc biệt quan trọng. Việt Nam chủ yếu vận chuyển mặt hàng này bằng đường biển, vì vậy sản phẩm nội thất có thể dễ dàng bị hỏng khi trung chuyển do bị ẩm ướt hoặc quản lý không tốt. Vì vậy, yêu cầu về tính an toàn và cẩn thận trong khâu đóng gói cần được nhà xuất khẩu hết sức lưu ý.
Ngoài khía cạnh về an toàn, các nhà nhập khẩu còn tính đến góc độ môi trường đối với những vật liệu sử dụng để đóng gói nội thất. Vật liệu dùng làm bao bì đóng gói phải là những loại vật liệu thân thiện với môi trường, dễ bị phân huỷ sau khi sử dụng.
Nhà xuất khẩu cần biết rằng nhà nhập khẩu sẽ phải chịu chi phí rất lớn để xử lý rác thải đóng gói, điều này làm giảm khả năng cạnh tranh cho nhà xuất khẩu. Do đó, nhà xuất khẩu nên đóng gói bao bì bằng các chất liệu có thể dùng lại để bao gói hàng tại thị trường của nước họ. Vì các quy định về môi trường ở châu Âu có thể thay đổi nên các doanh nghiệp Việt Nam nên tham khảo ý kiến của những nhà nhập khẩu về các yêu cầu và các quy định mới nhất liên quan đến việc đóng gói khi xuất khẩu hàng nội thất sang thị trường này.
Nhãn hiệu
Liên quan đến quy định về nhãn hiệu, chứng chỉ rừng do Hội đồng Quản lý rừng Quốc tế (FSC) được sử dụng rộng rãi nhất. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, hệ thống chứng chỉ rừng liên châu Âu (PEFC) đang ngày càng dành được sự ủng hộ của ngành nội thất các nước phía Nam EU. PEFC được áp dụng từ năm 1999 cho các nhà quản lý rừng nhỏ lẻ ở các nước EU. Cũng giống như FSC, hệ thống này bảo đảm rừng được quản lý tốt thông qua việc cung cấp một cơ chế chắc chắn tới người mua gỗ và đồ nội thất. PEFC có 32 chứng chỉ rừng quốc gia độc lập.
Bên cạnh những quy định trên, các nhà sản xuất gỗ phải đối đầu với các quy định khác. Người mua tại thị trường châu Âu còn muốn biết thêm thông tin về sản phẩm từ nhà sản xuất như các điều kiện về môi trường và xã hội tại nwocs sản xuất, việc quản lý rừng bền vững (SFM). Mặc dù, những yêu cầu trong lĩnh vực này không phải là qui định pháp lý nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam nên chú ý những vấn đề này để tạo lợi thế cạnh tranh khi thâm nhập vào EU. Về môi trường, có các hệ thống chứng nhận quản lý môi trường nổi tiếng là ISO14000, ISO 14001. Các nhà xuất khẩu có thể dùng các chứng nhận này như là một công cụ xúc tiến thương mại hiệu quả tại châu Âu.
 

Nguồn: Vinanet