Khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), rất nhiều chuyên gia cảnh báo ngành điện tử trong nước sẽ phải đối mặt với những cạnh tranh gay gắt của các sản phẩm ngoại nhập, nhiều doanh nghiệp có thể bị phá sản.
Tuy nhiên, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam cho biết, kể từ khi hội nhập WTO tới nay, các doanh nghiệp của ngành vẫn đứng vững, chưa doanh nghiệp nào bị phá sản hay giảm doanh thu.
Mối lo ngại nhất của các doanh nghiệp Việt Nam khi gia nhập WTO là sẽ có đến 1/3 doanh nghiệp ngành điện tử sập tiệm. Sau điều tra kỹ, việc cắt trợ cấp cũng không bị ảnh hưởng nhiều tới các doanh nghiệp. Việc kinh doanh của doanh nghiệp điện tử vẫn không giảm doanh thu vì WTO.
Có điều, đến thời điểm hiện nay vẫn có tới 1/3 doanh nghiệp trong Hiệp hội doanh nghiệp điện tử vẫn chưa hiểu rõ về luật WTO, chưa nắm được luật chơi. Cạnh tranh của WTO chắc chắn sẽ có những tác động tới các doanh nghiệp, song đến thời điểm này các doanh nghiệp vẫn chưa kịp thời chuyển đổi cơ cấu sản phẩm. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng chưa kịp thời có nguồn nhân lực mới mà thực tế nguồn nhân lực của doanh nghiệp nặng nhất là khó khăn về ngoại ngữ.
Trên thực tế, các doanh nghiệp điện tử và công nghệ thông tin có tới hơn phần nửa tiếng Anh chưa thạo lắm. Hay các doanh nghiệp trong nước cần phải tìm hiểu kỹ hơn nữa thị hiếu của người tiêu dùng và đi vào các sản phẩm mà các doanh nghiệp lớn không làm. Sản phẩm trong nước có chỗ đứng trên thị trường nội địa là: tivi của Hanel, BTV, DENCO, máy tính CMS, đầu đĩa karaoke Tiến Đạt...
Các sản phẩm lắp ráp của Việt Nam được thực hiện bởi các nhà sản xuất nước ngoài như: Sony, Samsung..., chất lượng cũng không thua kém so với chất lượng các sản phẩm được lắp ráp ở các nước khác bởi tiêu chuẩn tương đối phù hợp với nhau.
Chất lượng của hàng điện tử không chỉ dừng lại ở sản phẩm bền, đẹp... mà còn cả ở cơ chế bảo hành, bảo trì. Đây là vấn đề rất nhạy cảm bởi đối với mặt hàng điện tử - tin học, giá các sản phẩm thường cao mà lại hay hỏng hóc nên việc bảo hành, bảo mại trở thành vấn đề lớn của ngành. Thực tế thời gian qua đã xảy ra một số trục trặc trong bảo hành, bảo trì là do 2 nguyên nhân chính.
+Thứ nhất là người tiêu dùng chưa hiểu rõ lắm về quyền lợi của mình, nhiều khi họ có lý trong khiếu nại song lại đi những bước không đúng, đến chưa đúng chỗ, kiến thức của người tiêu dùng sử dụng thiết bị công nghệ cao chưa cao nên tự mình làm hỏng và gây ra những khiếu kiện vô lý.
+Thứ hai, các nhà phân phối của ta hiện nay hầu hết là nhà phân phối nhỏ, số các nhà phân phối lớn như: Nguyễn Kim, Kim Cô... còn ít, nên phần lớn nhà phân phối không chính thức bán hàng không phải là hàng chính hãng, chế độ bảo hành, hậu mại của họ không rõ ràng và thậm chí chỉ bán hàng mà không có địa chỉ để bảo hành.
Trong thời gian qua cũng nổi lên một vấn đề, có quá nửa các khiếu nại của khách hàng là nằm trong các sản phẩm công nghệ thông tin và viễn thông, nhất là với sản phẩm điện thoại di động.
(DN24g)
 
 

Nguồn: Vinanet