Việt Nam đang xuất sang Nhật chỉ chiếm 1,19% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Nhật và khoảng 10% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới. Trong khi đó, DN Việt Nam đang có rất nhiều lợi thế ở Nhật. Vì thế, DN nên nắm bắt xu hướng và lợi thế để tận dụng và khai thác lợi thế này.

Hiện thương mại - kinh tế Việt - Nhật đang trên đà phát triển mạnh. Năm 2008 kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước đạt 16 tỷ USD, năm 2009 trong khó khăn vẫn đạt gần 11 tỷ USD và năm 2010 tiếp tục đạt 16,9 tỷ USD (tăng gần 23% so 2009). Trong mối quan hệ này, cán cân thương mại của cả hai bên luôn ở mức tương đối cân bằng. Việt Nam xuất sang Nhật hàng chủ lực có thế mạnh như nông hải sản, hàng dệt may, da giày, sản phẩm gỗ, linh kiện - máy móc… và nhập từ Nhật thiết bị, công nghệ, tiếp nhận vốn đầu tư… Khách du lịch Nhật đến Việt Nam cũng đứng trong top 2 với khoảng 400 ngàn lượt khách đến hàng năm. Nhật cũng là nơi đang tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam…

Giám đốc VCCI TP.HCM cho biết, giao thương giữa hai nước phát triển mạnh từ khi có Hiệp định Đối tác toàn diện Việt - Nhật (ký tháng 12/2008). Đây là khung pháp lý quan trọng nhưng cũng rất thuận lợi cho DN hai nước mở rộng các mối quan hệ trong các lĩnh vực kinh tế, khoa học - công nghệ - đầu tư - lao động… Sau hơn 1 năm triển khai hiệp định, đã có hơn 1/3 hàng hoá Việt Nam sang Nhật hưởng các lợi ích từ hiệp định, nhất là trong lĩnh vực thuế quan. Hiệp định vẫn còn đến 95% sản phẩm công nghiệp từ Việt Nam sang Nhật sẽ có thuế suất 0% (giảm theo lộ trình), nhiều mặt hàng khác như da giày, sản phẩm gỗ, sản phẩm hoá chất, hàng nông sản… cũng đang và sẽ tiếp tục được giảm thuế suất. Với trình độ của nền kinh tế hai nước, sản phẩm của hai nền kinh tế đang bổ sung và không cạnh tranh nhau, vì mức độ, phẩm cấp hàng hoá khác nhau. Ông Lê Quang Lân - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại Đa biên - Bộ Công Thương cho biết thêm, hai nước cũng đang đàm phán thoả thuận tiếp nhận lao động Việt Nam trong lĩnh vực y tế với số lượng khoảng 400 ngàn người. Bên cạnh đó, Nhật đang có nhu cầu nhập nhiều sản phẩm cơ khí mức độ công nghệ thấp. Trước 50% các chủng loại sản phẩm này Nhật nhập từ Trung Quốc, nhưng do ngày nay Trung Quốc không muốn hợp tác với Nhật sản xuất các sản phẩm cơ khí công nghệ thấp, cộng với chi phí sản xuất tại Trung Quốc đang cao và nhất là không muốn lệ thuộc vào một thị trường, nên Nhật có nhu cầu nhập các loại hàng này từ các nước khác, trong đó có Việt Nam với các sản phẩm như khung nhà xưởng, các loại xe đẩy, băng chuyền… Đây được xem là thị trường ngách mà DN trong nước nên tận dụng, vì các sản phẩm này đòi hỏi công nghệ không cao và giá thành ở Việt Nam rất cạnh tranh. Trước Nhật cũng nhập nhiều phần mềm từ Ấn Độ, Trung Quốc, nhưng nay cũng tập trung vào Việt Nam, vì giá nhân công thấp và phí đầu tư không cao. Các sản phẩm nông sản khác như thực phẩm chế biến, trước Nhật cũng nhập từ Trung Quốc, nay bị áp lực về giá nên đang quay sang Việt Nam. Mới đây, Nhật đã đầu tư tại Việt Nam thiết bị xử lý ruồi đục quả trên thanh long và cho nhập loại trái cây này từ Việt Nam. Hiện giới trẻ Nhật đã Âu hoá nhiều, phụ nữ Nhật phải tăng tham gia làm việc giúp đỡ gia đình nên nhu cầu sử dụng thực phẩm làm sẵn, thức ăn nhanh cũng tăng theo. Đây cũng là thị trường tiềm năng cho DN chế biến thức ăn Việt Nam.

Một thuận lợi nữa cho DN Việt Nam tại Nhật là Nhật Bản đang thay đổi chính sách kinh tế - thương mại. Trước Nhật chú tâm vào nội địa, nay mở rộng kết nối với thế giới, trong dó có việc tăng hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá về hướng Đông, vì thế đã ký nhiều hiệp định thương mại song phương với ASEAN (7 hiệp định, trong đó có Việt Nam) và một hiệp định chung với khối ASEAN, đồng thời dành ưu đãi thuế quan GSP cho một số quốc gia khác. Theo ông Võ Thanh Hà, Phó Trưởng phòng Đông Bắc Á - Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương, sau khủng hoảng kinh tế thế giới, kinh tế Nhật cũng bị ảnh hưởng nên tác động đến tâm lý tiêu dùng, vì vậy thị trường hàng giá rẻ được ưa chuộng và ngày càng xuất hiện nhiều ở hệ thống các siêu thị, hệ thống phân phối Nhật.

Lợi thế ở thị trường Nhật Bản đối với Các Doanh Nghiệp Việt Nam là rất lớn, nhưng đây cũng là thị trường có nhiều nhiều thách thức. Thị trường Nhật vẫn còn những khó khăn, hạn chế trong nhập khẩu hàng hoá như áp dụng hạn ngạch, còn chế độ cấp phép nhập đối với sản phẩm từ thực vật, áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật cao (vệ sinh an toàn thực phẩm, kháng sinh…). Ngoài ra, thị trường này còn có những đặc thù riêng mà khi xuất hàng sang DN nên chú ý như: thực phẩm phải mềm, không mùi gắt, không dùng các gia vị đậm; hàng gia dụng không quá to, không dùng màu sặc sỡ… Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương - Bộ Công Thương cho biết, hệ thống phân phối Nhật cũng khá phức tạp, qua nhiều trung gian, vì thế DN không nên dựa theo giá tiêu thụ ở đầu cuối mà định giá thành khi chào hàng. Chi phí XTTM tại Nhật cũng rất cao, DN cần chuẩn bị trước các điều kiện (sản phẩm, thông tin, hẹn trước, mời các hiệp hội Nhật…) khi tham dự một cuộc triển lãm tại Nhật.

Trong buổi hội thảo “Cơ hội và thách thức khai thác thị trường Nhật” tổ chức mới đây tại TP.HCM (do dự án hỗ trợ thương mại đa biên - Mutrap - Bộ Công Thương cùng VCCI TP.HCM tổ chức), các chuyên gia nhắn nhủ, khi muốn tiêu thụ hàng tại Nhật, hoặc gặp khó khăn tại thị trường này, DN nên liên hệ với Thương vụ, Tham tán Việt Nam tại Nhật, hoặc các cơ quan XTTM tại Nhật và gần nhất là Jestro tại Việt Nam để được giúp đỡ

 
Nguồn ;ttnn.com.vn

Nguồn: Vinanet