Với tốc độ tăng trưởng GDP trung bình 5%/năm và là khu vực giàu tiềm năng về dầu mỏ, khí đốt, công nghệ sinh học, công nghệ hóa dầu…, Trung Đông – châu Phi đang là thị trường hấp dẫn thu hút hoạt động kinh doanh XK của các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Đó là nhận định của các chuyên gia kinh tế, lãnh đạo một số DN tham dự Hội thảo “Thị trường Trung Đông – châu Phi, tiềm năng và cơ hội” diễn ra ngày 12-7 tại TP.HCM do Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Ban Quản lí các Khu chế xuất, khu công nghiệp TP.HCM tổ chức.

Ông Lý Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á (Bộ Công Thương) cho biết, kim ngạch XNK hai chiều giữa Việt Nam và Trung Đông tăng nhanh: Năm 2010, kim ngạch XNK đạt 3,3 tỉ USD; năm 2011 đạt 5,2 tỉ USD, tăng 55% so với năm 2010; 5 tháng đầu năm 2012 đạt trên 2,2 tỉ USD. Kim ngạch XNK giữa Việt Nam và thị trường châu Phi cũng đạt nhiều kết quả khả quan: Năm 2010, đạt 2,5 tỉ USD, năm 2011 đạt 3,5 tỉ USD. Các mặt hàng XK chủ lực của Việt Nam sang các thị trường này gồm: hải sản, sợi, điện thoại, dệt may, giày dép, sản phẩm cơ khí, đồ gỗ, thực phẩm chế biến, vật liệu xây dựng…

Bên cạnh đó, khu vực Trung Đông- châu Phi có sức mua lớn, khả năng thanh toán cao do một số nước có tiềm lực về kinh tế khá lớn, nguồn dự trữ ngoại tệ cao nhờ vào việc XK dầu mỏ, khí đốt và các loại khoáng sản có giá trị. Cơ cấu mặt hàng NK của khu vực trên khá phù hợp với những mặt hàng XK thế mạnh của Việt Nam, thuế NK thấp… Đây là những điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh XK của DN Việt Nam.

Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các nước XK như hiện nay, để đẩy mạnh XK sang thị trường Trung Đông- châu Phi, theo ông Phạm Văn Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu (Bộ Xây dựng), các DN cần xây dựng cho mình chiến lược XK, lâu dài, vững chắc, thường xuyên cập nhật thông tin về thị trường và tổ chức việc khảo sát thị trường, tham gia hội chợ, triển lãm để quảng bá thương hiệu và sản phẩm của mình trên thị trường quốc tế. Trong sản xuất các DN chủ động đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị sản xuất, tăng cường quản trị DN để tiết kiệm chi phí, để làm ra có chất lượng tốt, có giá thành thấp tăng sức cạnh tranh.

Mặt khác, ông Phạm Hoài Huấn, Giảng viên trường Đại học Luật TP.HCM cho biết, thời gian gần đây xảy ra hiện tượng một số DN trong nước bị lừa đảo khi kí kết hợp đồng với đối tác thuộc khu vực Trung Đông- châu Phi. Vì vậy, để phòng tránh rủi ro, khi thỏa thuận hợp đồng cần tuân thủ điều khoản thanh toán, lựa chọn luật áp dụng cho phù hợp theo điều ước quốc tế, các văn bản của các tổ chức quốc tế, trong từng lĩnh vực cần có những bộ qui chuẩn nhất định như: Điều kiện hợp đồng khi xây dựng, quy tắc thực hành thống nhất về tín dụng chứng từ trong thanh toán, điều khoản thương mại quốc tế trong giao nhận…/.

 

Nguồn: Hải quan Việt Nam