Từ vài năm trở lại đây, Bờ Biển Ngà luôn là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam tại châu Phi. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Bờ Biển Ngà đã tăng liên tục từ 49,9 triệu USD năm 2007 lên 85,6 triệu USD năm 2008 và lên tới 144,5 triệu USD năm 2009 (trong đó mặt hàng gạo chiếm tới 95%), mức cao nhất từ trước tới nay. Năm 2010, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này đạt 133,3 triệu USD, giảm 7,7% chủ yếu do giá gạo giảm.
Trong 7 tháng đầu năm 2011, kim ngạch xuất khẩu của ta sang Bờ Biển Ngà đã đạt 89 triệu USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý là sau 3 tháng đầu năm bị ngừng trệ do tác động của cuộc khủng hoảng chính trị hậu bầu cử tổng thống Bờ Biển Ngà, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này đã bắt đầu phục hồi vào tháng 4 và tăng mạnh vào tháng 6, tháng 7 (đạt mức 32 triệu USD/tháng). Các mặt xuất khẩu chính của Việt Nam sang Bờ Biển Ngà gồm có gạo, sản phẩm dệt may, sắt thép, chất dẻo nguyên liệu, sản phẩm cao su, săm lốp ô tô xe đạp xe máy có kim ngạch từ 1 triệu USD trở lên.
Những thuận lợi
Trước tiên phải kể đến là trong thập kỷ qua, Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm đến việc phát triển quan hệ kinh tế-thương mại với châu Phi trong đó có Bờ Biển Ngà. Xác định đây là một thị trường có nhiều tiềm năng nên Bộ Công Thương đã tổ chức hai đoàn sang nghiên cứu thị trường và xúc tiến thương mại tại Bờ Biển Ngà vào các năm 2008, 2010. Thời gian qua, công tác thông tin thị trường, giới thiệu cơ hội kinh doanh về Bờ Biển Ngà đã được đẩy mạnh trên các phương tiện thông tin đại chúng và qua các cuộc hội thảo được tổ chức thường xuyên tại các tỉnh thành trong cả nước, khiến thị trường này ngày càng được doanh nghiệp biết đến. Trong chính sách đối ngoại của mình, Bờ Biển Ngà cũng chủ trương tăng cường quan hệ với các quốc gia châu Á nhằm chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế. Bờ Biển Ngà thường xuyên tham dự các cuộc họp của Hội nghị Tokyo về phát triển châu Phi (Ticad), Hội thảo Á-Phi tại Bandung (Indonesia), Diễn đàn Trung Quốc-Châu Phi, Hội thảo cấp Bộ trưởng 9 nước về Hợp tác của Ấn Độ tại Tây Phi (Team 9), Hội thảo quốc tế Việt Nam- châu Phi... Châu Á hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của Bờ Biển Ngà sau châu Âu và châu Phi. Bờ Biển Ngà đánh giá cao các chuyến thăm của các đoàn Việt Nam thời gian gần đây và mong muốn hai bên tăng cường quan hệ hợp tác, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư; ký kết các hiệp định; sớm mở cơ quan đại diện ngoại giao thường trú tại mỗi nước...
Thứ hai là các Hiệp hội, doanh nghiệp Việt Nam cũng bắt đầu nhận thức được tầm quan trọng của thị trường này nên đã tham gia tích cực vào các đoàn XTTM do Bộ Công Thương tổ chức. Bên cạnh đó, thời gian qua, Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) và các doanh nghiệp cũng chủ động tổ chức đoàn sang tìm hiểu thị trường và gặp gỡ đối tác. Một số doanh nghiệp của ta đã mở văn phòng đại diện tại nước này để tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu. Qua kinh nghiệm thực tế tại châu Phi, Công ty Cổ phần Chế biến hàng xuất khẩu Lafooco (Long An) đã có sáng kiến xây dựng đề án “đổi gạo Việt Nam lấy điều châu Phi” trong đó có điều của Bờ Biển Ngà nhằm tăng giá bán, giảm giá mua sản phẩm. Hiện đề án này đang được thực hiện thí điểm tại Bờ Biển Ngà, Ghana...
Thứ ba là nền kinh tế hai nước có nhiều điểm bổ sung cho nhau. Chẳng hạn, Việt Nam là một trong những quốc gia đứng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu gạo trong khi Bờ Biển Ngà là nước tiêu thụ và nhập khẩu khối lượng lớn loại lương thực này (khoảng 800.000 tấn/năm). Ngược lại Bờ Biển Ngà là nước sản xuất điều thô lớn thứ hai thế giới (400.000 tấn) trong khi Việt Nam là nước chế biến, xuất khẩu nhân điều hàng đầu thế giới, rất cần nhập khẩu điều nguyên liệu. Tương tự, Việt Nam có thế mạnh về sản xuất, xuất khẩu hàng dệt may, đồ gỗ rất cần nguyên liệu đầu vào trong khi Bờ Biển Ngà là nước sản xuất bông và gỗ lớn ở châu Phi. Thực tế cho thấy, trao đổi thương mại những mặt hàng này đã không ngừng tăng cao trong thời gian qua, chiếm tỷ trọng gần như tuyệt đối trong cơ cấu xuất nhập khẩu.
Thứ tư là nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của Bờ Biển Ngà rất đa dạng và các tiêu chuẩn, quy định về chất lượng sản phẩm, mẫu mã không quá khắc khe. Một số sản phẩm của ta ngày càng khẳng định được chỗ đứng trên thị trường này như gạo, dệt may, chất dẻo, sắt thép... Diện mặt hàng xuất khẩu cũng không ngừng được mở rộng: đến năm 2010, ta đã xuất gần 20 loại sản phẩm sang Bờ Biển Ngà. Kim ngạch trao đổi thương mại giữa hai nước liên tục tăng cao, trong đó Việt Nam thường xuất siêu.
Thứ năm là mặc dù trải qua một thập kỷ bất ổn chính trị, nhất là cuộc nội chiến cuối năm 2010 đầu 2011 vừa qua song Bờ Biển Ngà vẫn được đánh giá là nền kinh tế lớn thứ thứ ba khu vực Tây Phi (gồm 15 quốc gia), chỉ đứng sau Nigeria và Ghana nhờ những thế mạnh xuất khẩu như ca cao, cà phê, điều, bông, gỗ và đặc biệt gần đây là dầu lửa và vàng, mang lại nguồn thu ngoại tệ quan trọng cho nền kinh tế đất nước, tạo điều kiện cho việc nhập khẩu hàng hóa. Mới đây, các nhà tài trợ vốn quốc tế như Ngân hàng thế giới, Quỹ tiền tế quốc tế đã cam kết tiếp tục cho Bờ Biển Ngà vay để tái thiết đất nước. EU cũng đã dỡ bỏ lệnh cấm vận hàng hóa đối với quốc gia Tây Phi này. Theo báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), tăng trưởng kinh tế nước này có thể đạt 5,9% năm 2012.
Sáu là Bờ Biển Ngà có vị trí địa lý chiến lược trong khu vực, có cơ sở hạ tầng (sân bay, cảng biển, đường giao thông) vào loại tốt nhất Tây Phi, hệ thống ngân hàng cũng phát triển nhất tiểu vùng, tạo thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp. Cảng biển Abidjan được xem là Rotterdam của châu Phi, là điểm quá cảnh hàng hóa quan trọng của các nước không có biển hoặc nằm sâu trong lục địa như Mali, Burkina Faso, Liberia và Ghi-nê.
Cuối cùng, cộng đồng người Việt Nam tại Bờ Biển Ngà có khoảng 60 người chủ yếu làm nghề nhà hàng và kinh doanh nhỏ tại thành phố Abidjan. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp của ta trong lĩnh vực điều cũng đã đặt văn phòng đại diện tại nước này. Đây cũng có thể xem là một thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam khi mới sang Bờ Biển Ngà tìm hiểu thông tin và đối tác.
 
ttnn.com.vn

Nguồn: Vinanet