Theo ông Akinwumi Adesina, Bộ trưởng Nông nghiệp Ni-giê-ri-a, Chính phủ Liên bang Ni-giê-ri-a đã dành hơn 99 nghìn tỷ Naira (tiền Ni-giê-ri-a tương đương 634 tỷ USD) để nhập khẩu lương thực thực phẩm trong giai đoạn từ năm 2007 đến 2010.
Như vậy, Nigeria là một trong các nước nhập khẩu lương thực lớn nhất trên thế giới. Kim ngạch nhập khẩu lương thực của Nigeria trong giai đoạn từ năm 2007 - 2010 là 98 nghìn tỷ Naira (628 tỷ đô-la Mỹ), trong đó chỉ riêng năm 2010, Nigeria đã dành 635 tỷ Naira (4 tỷ đô-la Mỹ) nhập khẩu lúa mì, 356 tỷ Naira (2,28 tỷ đô-la Mỹ) nhập khẩu gạo (có nghĩa mỗi ngày Ni-giê-ri-a nhập khẩu lượng gạo trị giá khoảng 1 tỷ Naira), 217 tỷ Naira (1,39 tỷ đô-la Mỹ) nhập khẩu đường và trong khi có rất nhiều nguồn tài nguyên mặt nước như biển, sông, hồ, lạch, Nigeria vẫn phải nhập khẩu 97 tỷ Naira cá và thủy sản các loại.
Nigeria là nước sản xuất sắn lớn nhất trên thế giới, với 45 triệu tấn hàng năm, tuy nhiên theo Bộ trưởng Nông nghiệp Ni-giê-ri-a, giá trị gia tăng đóng góp từ cây sắn đối với Thế giới hầu như bằng không, trong khi Thái Lan sản xuất chỉ 10% khối lượng sắn hàng năm trên Thế giới lại đóng góp đến 80% giá trị gia tăng từ sản phẩm này.
Mặc dù phải bỏ ra nhiều tiền để nhập khẩu lương thực, tỷ lệ người dân Nigeria có đủ lương thực cho các bữa ăn một ngày vẫn còn rất thấp.
Trong điều kiện sản xuất nông nghiệp yếu kém, lạc hậu, năng suất thấp không đủ cung cấp cho nhu cầu trong nước, nhưng Chính phủ Nigeria lại thực thi những chính sách bảo hộ bằng công cụ thuế ở mức cao và hàng loạt các hàng rào phi thuế, biện pháp kĩ thuật (tiêu chuẩn Nafdac đối với hàng hóa nhập khẩu là lương thực thực phẩm) làm cho giá lương thực tăng cao, hoạt động buôn lậu phổ biến nhưng cơ quan quản lý không có chính sách xử lý phù hợp.
Trong những năm gần đây, theo ý tưởng của Tổng thống Obasanjo, Chính phủ Ni-giê-ri-a đã đưa ra Chương trình hành động về sản xuất và xuất khẩu gạo, mục tiêu sản xuất đủ đáp ứng nhu cầu trong nước và có sản lượng dư thừa để xuất khẩu; Chương trình nâng cao năng lực sản xuất và xuất khẩu sắn, mục tiêu hàng năm xuất khẩu 5 tỉ USD sản phẩm sắn các loại vào năm 2010. Chính phủ Ni-giê-ri-a đã chi nhiều tiền để thực hiện những chương trình này, tuy nhiên do nhiều nguyên nhân nên các chương trình này đã không đạt được mục đích ban đầu. Dự báo, nhu cầu nhập khẩu lương thực ở Ni-giê-ri-a tiếp tục tăng trong thời gian tới do biến động về dân số và sản xuất trong nước không có dấu hiệu cải thiện.
Ttnn.com.vn

Nguồn: Vinanet