Tại hội thảo Cơ hội - thách thức với DN vừa và nhỏ trước tình hình gia nhập các FTA –TPP do Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ khu vực phía Nam tổ chức tại TP.HCM cuối tuần qua, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, Chuyên gia kinh tế chi sẻ, khi kinh tế Việt Nam chính thức hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới thì lĩnh vực nông nghiệp sẽ gặp nhiều thách thức. 

Trên lĩnh vực chăn nuôi, khi hội nhập ngành chăn nuôi có 3 đối tượng “nguy cấp” chính là heo, gà, bò. Chăn nuôi gà quy mô nhỏ, không có khả năng cạnh tranh, kể cả gà thịt và gà đẻ trứng. Đối với chăn nuôi heo, Việt Nam có ưu thế sản xuất nội địa vì người dân có thói quen sử dụng thịt tươi. Tuy nhiên, xu hướng tiêu dùng này sẽ nhanh chóng thay đổi và người dân chuyển dần sang việc sử dụng thịt đông lạnh. Chính vì vậy, cả ngành chăn nuôi gà, heo đang đứng trước nguy cơ bị thua thiệt.

Thịt bò và sữa cũng chịu sức ép nặng nề. Cụ thể, một con bò Hà Lan cho khoảng 50 ngàn lít sữa mỗi ngày, trong vòng 300 ngày lượng sữa sẽ lên đến 12.000 – 15.000 lít. Trong khi, lượng sữa một con bò Việt Nam cung cấp một ngày dừng lại ở mức 15 lít, cả năm cung cấp được 4.000 - 5.000lít. Như vậy, lượng sữa bò Việt Nam không đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường Việt Nam và vẫn phải nhập khẩu nguyên liệu của Hà Lan để sản xuất ra sữa tươi.

Đối với thủy sản, dù không bị cạnh tranh khốc liệt như những mặt hàng khác nhưng thủy sản cũng bị áp lực bởi hàng loạt hàng rào kỹ thuật trong hoạt động thương mại từ các thị trường Mỹ, Nhật Bản, EU…

Phải làm sao để nâng tính cạnh tranh cho nền nông nghiệp Việt Nam, ông Lương Văn Tự- nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, khi thuế suất bằng 0% ắt hẳn hàng hóa nước ngoài ồ ạt nhập khẩu vào thị trường Việt Nam. Do đó, khi mở cửa thị trường để không bị yếu thế, các thành viên hiệp hội phải tiêu dùng sản phẩm của nhau, mặt hàng này sẽ là thị trường cho mặt hàng khác. Đơn cử, sản xuất lúa gạo phải gắn liền và liên kết với chăn nuôi.

Đồng quan điểm với vấn đề bắt tay nhau trong sản xuất để hội nhập thành công GS. TSKH Nguyễn Mại- nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, hiệp hội các ngành nghề cần bàn bạc tìm cách nâng cao chất lượng, mẫu mã, tiếp thị sản phẩm tạo sức mạnh lớn trong cạnh tranh; cùng nhau bắt tay và trao đổi khó khăn nhằm tìm và tận dụng cơ hội phát triển.

Chuyên gia kinh tế Lê Đang Doanh cho biết, điều cần làm hiện nay chính là xây dựng chuỗi giá trị DN- nông dân- xuất- nhập khẩu trong và ngoài nước- ngân hàng viện nghiên cứu. Chỉ khi nào nghiên cứu thị trường tốt, biết người biết ta trăm trận trăm thắng.

Trong khi tất cả diện tích đậu tương, ngô hiện đang được nông dân Mỹ chăm sóc bằng hệ thống vệ tinh, chỉ cần ngồi trước màn hình máy tính nông dân có thể biết được khu vực cây trồng nào thiếu dưỡng chất gì để bổ sung cho kịp thời thì tại Việt Nam nền nông nghiệp vẫn canh tác theo hình thức thủ công. Do đó, khi Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Châu Á Thái Bình Dương (TPP) được ký kết ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với sức ép rất lớn.

Nguồn: Báo Công Thương điện tử

Nguồn: Vinanet