Một số doanh nghiệp sản xuất vẫn muốn khép kín toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh, bao gồm cả hoạt động phân phối sản phẩm cuối cùng đến tay người tiêu dùng. Trong khi đó, theo tính toán của các nhà kinh tế Mỹ, không kiểm soát được mạng lưới phân phối chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến phá sản của các doanh nghiệp Mỹ.

Vậy doanh nghiệp Việt Nam cần phát triển hệ thống phân phối theo cách nào? Theo Tổng Giám đốc Công ty cổ phần EPIC trí tuệ kinh doanh, khi xây dựng hệ thống phân phối, doanh nghiệp cần nhớ một nguyên tắc là đừng để "chân rết" làm "chết" doanh nghiệp. Có thể áp dụng bốn bước cơ bản để thiết kế kênh phân phối. Ðó là:

+phân tích yêu cầu dịch vụ của khách hàng

+thiết lập mục tiêu của hệ thống phân phối

+nhận biết các phương án phân phối để lựa chọn

+đánh giá các phương án để ra quyết định.

Trong kinh nghiệm lựa chọn hệ thống phân phối, các doanh nghiệp cần nhớ một điều đơn giản là cần lựa chọn hình thức phân phối phù hợp sản phẩm.

Theo nghiên cứu của EPIC hiện nay các doanh nghiệp có xu hướng áp dụng kênh phân phối hỗn hợp ở thị trường phía nam, và phân phối độc quyền ở thị trường phía bắc. Kinh nghiệm của hãng dầu nhờn số 1 thế giới Esso Mobil trong phát triển hệ thống phân phối ở thị trường nước ta cho thấy không phải lúc nào kênh phân phối trung gian cũng phát huy được hiệu quả. Thị phần của Esso Mobil tại Việt Nam tăng 20%, nhưng lượng hàng được phân phối thông qua kênh trung gian chỉ tăng 6%.

Về kinh nghiệm xây dựng kênh phân phối, các doanh nghiệp cần coi trọng tính đa dạng của hệ thống phân phối để có thể đáp ứng được nhu cầu của những đối tượng khách hàng riêng biệt.

Theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, trái đất như một quả cầu pha lê mà các tập đoàn đa quốc gia, các tổng công ty, công ty và cả các nhà phân phối nhỏ lẻ đều muốn chìa cánh tay thâu tóm, nhưng sẽ không ai thâu tóm được, vì vậy, cạnh tranh thời hội nhập vẫn là cạnh tranh trong hợp tác. Các doanh nghiệp phân phối Việt Nam vẫn có thể giữ được vị thế của mình nếu như biết tìm đúng hướng đi.

Ðể hỗ trợ các doanh nghiệp kể từ năm nay, Viện Phát triển doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) sẽ triển khai dự án Hỗ trợ phát triển dịch vụ phân phối, đây là dự án hỗ trợ kỹ thuật nhằm giúp các doanh nghiệp phát triển dịch vụ phân phối. Dự án sẽ triển khai dưới nhiều hình thức hoạt động (như hội thảo, thuyết trình, đào tạo, tư vấn trực tiếp...) nhằm đáp ứng tốt nhu cầu của doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả hoạt động hỗ trợ.

Doanh nghiệp lựa chọn nhà phân phối, nhưng đồng thời nhà phân phối cũng lựa chọn doanh nghiệp. Sản xuất những sản phẩm dành riêng cho một nhà phân phối nhất định như Metro, Big C... là một cách để doanh nghiệp tăng doanh thu, tăng uy tín. Ðiều quan trọng là doanh nghiệp - dù là doanh nghiệp sản xuất hay doanh nghiệp phân phối đều phải biết tự lượng sức mình, đánh giá đúng thực lực doanh nghiệp, đối tác và đối thủ cạnh tranh, biết mình và biết người.

 

Nguồn: Nhân Dân