Dầu khí là nội dung chính mà Rumani mong muốn hợp tác với Việt Nam. Rumani hi vọng, hợp tác dầu khí giữa hai nước sẽ đạt trên 100 triệu đô la trong thời gian tới.

Theo điều phối viên Rumania tại châu Á, đại diện Bộ Kinh tế Thương mại và Môi trường kinh doanh Rumani cho biết như vậy tại Tọa đàm Doanh nghiệp Việt Nam- Rumani tổ chức ngày 24/11 ở Hà Nội.

Thay mặt các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam, ông Lê Danh Vĩnh cho biết, sau 25 năm thực hiện công cuộc đổi mới, kinh tế Việt Nam đã liên tục phát triển. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) trung bình đạt 7,5% một năm, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu trung bình đạt trên 20%.

Năm 2009, kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng nhưng Việt Nam vẫn duy trì được sự ổn định. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2009 tăng 5,32%, trong đó, công nghiệp và xây dựng tăng 5,52%; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước đạt 56,6 tỷ đô la, giảm 9,7% so với năm 2008; nhập siêu khoảng 12,25 tỷ đô la…

Song song với phát triển về kinh tế, Việt Nam cũng đang phát triển quan hệ trên nhiều lĩnh vực với liên minh châu Âu như hoàn tất đàm phán Hiệp định Hợp tác và đối tác, khởi động đàm phán Hiệp định thương mại tự do song phương…

Với quan hệ hợp tác kinh tế- thương mại truyền thống, những năm gần đây, kim ngạnh thương mại Việt Nam- Rumani đạt mức tăng trưởng nhanh. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam- Rumani năm 2009 đạt xấp xỉ 9,4 triệu đô la và 9 tháng đầu năm 2010 đạt 66 triệu đô la. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Rumani 56 triệu đô là và nhập khẩu từ Rumani khoảng 10 triệu đô la.

Thứ trưởng Lê Danh Vĩnh khẳng định, việc Việt Nam và Rumani phê chuẩn Hiệp định về Hợp tác và đối tác kinh tế 2009, tổ chức thành công khóa họp Ủy ban Hỗn hợp tại Bucarest- Rumani vào tháng 6 vừa qua và việc tổ chức buổi tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam- Rumani là cơ hội tốt để hai nước phát triển hơn nữa quan hệ kinh tế, thương mại song phương.

“Buổi tọa đàm là cầu nối giúp doanh nghiệp hai nước tìm hiểu lẫn nhau và tìm kiếm cơ hội hợp tác trong lĩnh vực kinh doanh của mình”- Thứ trưởng Lê Danh Vĩnh nói.

Tại tọa đàm, ông Valentin Brebenel cho biết, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới, Rumani bị thiệt hại nặng nề. Với sự quan tâm đặc biệt của chính phủ nên đã có những hạn chế về thiệt hại, hệ thống ngân hàng tiếp tục được cân bằng, Rumani đã và đang cố gắng cải thiện tình hình kinh tế bằng việc đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại, xuất khẩu.

Rumani là thành viên EU. Thị trường xuất khẩu chính là các nước nội khối, trên 73%. Trong 9 tháng đầu năm 2010, xuất khẩu của Rumani đã đạt trên 27 tỷ euro, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2009, đây được coi là tín hiệu tốt.

Tuy nhiên, Rumani tiếp tục chịu nhập siêu. Năm 2008, xuất khẩu của Rumani đạt trên 33,7 tỷ euro, nhập siêu 11 tỷ euro. Năm 2009, xuất khẩu chỉ đạt 26 tỷ euro nhưng mức nhập siêu vẫn giữ ở mức 11 tỷ euro. Điều này cho thấy, cán cân xuất nhập khẩu của Rumani chưa cân bằng. Rumani hy vọng, năm 2011 có sự tăng trưởng dương.

“Rumani muốn mở rộng thêm thị trường, và Việt Nam là thị trường chúng tôi mong muốn vươn tới”- ông Valentin Brebenel nói. Hai bên cũng có thể hợp tác để cùng khai thác dầu khí ở nước thứ ba. Là thành viên EU, quy chế đó cho phép Rumani đạt được nguồn tài chính để thực hiện việc hợp tác. Rumani mong muốn được hợp tác đào tạo chuyên gia các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực dầu khí.

Ngoài ra, Rumani cũng mong muốn tham gia lĩnh vực khai thác thủy sản, hóa dầu, xây dựng, sản xuất tân dược, sản xuất vòng bi… với các doanh nghiệp của Việt Nam. "Chúng tôi có thể giúp Việt Nam xây dựng một cầu cảng hiện đại. Đây là những lĩnh vực Rumani có thế mạnh"- ông Valentin Brebenel đề xuất.

Trong số 13 doanh nghiệp Rumani tham dự tọa đàm này, phần lớn là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực dầu khí, hóa dầu… đều mong muốn tìm kiếm cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam.

Những năm gần đây, doanh nghiệp hai nước đã tích cực hợp tác vì lợi ích song phương. Với tiềm năng của mỗi nước, Thứ trưởng Lê Danh Vĩnh kêu gọi doanh nghiệp hai nước tiếp tục tăng cường hợp tác mạnh mẽ hơn nữa vì lợi ích của doanh nghiệp, của đất nước và quan hệ hai nước.

 
Nguồn:baocongthuong.com.vn

Nguồn: Vinanet