Nhằm tìm kiếm biện pháp thúc đẩy giao thương trong đó trập trung phát triển thương mại gạo giữa hai nước, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên đã có buổi tiếp và làm việc với đoàn do Thứ trưởng Bộ Lương thực và Xử lý Thiên tai Băng-la-đét, ông Barun Dev Mitra dẫn đầu.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên đã điểm qua quan hệ kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Băng-la-đét thời gian qua, đánh giá các kết quả đã đạt được giữa hai bên, đồng thời đưa ra các biện pháp để đẩy mạnh hợp tác hiệu quả trong lĩnh vực thương mại gạo giữa Việt Nam và Băng-la-đét.

Thứ trưởng Bộ Lương thực và Xử lý Thiên tai Barun Dev Mitra cho biết, Băng-la-đét là nước sản xuất gạo lớn thứ 4 trên thế giới, với sản lượng hơn 30 triệu tấn/năm, nhưng vì lý do dân số tăng nhanh (hơn 160 triệu), các thiên tai như hạn hán, lũ lụt xảy ra thường xuyên dẫn đến sản xuất gạo trong nước không đủ cho tiêu dùng (lượng dự trữ gạo khoảng 750.000 tấn). Hiện tại, nhu cầu nhập khẩu gạo đồ và mới đây là gạo trắng (do giá rẻ hơn) là ổn định và có xu hướng ngày càng tăng trong những năm tới (nhằm tăng lượng dự trữ lên 3 triệu tấn vào năm 2020). Băng-la-đét đang nhập khẩu gạo chủ yếu từ các nước Ấn Độ, Thái Lan, Pakistan.

Thời gian vừa qua, Băng-la-đét bắt đầu quan tâm tới gạo trắng của Việt Nam để phần nào thay thế nguồn gạo đồ bị hạn chế nguồn cung và giá cao, bên cạnh đó giải tỏa sự thiếu hụt lương thực trong nước. Tính đến 11 tháng đầu năm 2010, Việt Nam đã xuất khẩu được hơn 300.000 tấn gạo đủ chủng loại sang Băng-la-đét. Việc nhập khẩu gạo trắng từ Việt Nam với mục đích chính là giải tỏa sự thiếu hụt lương thực trong nước, phần nào thay thế gạo đồ. Tuy nhiên, theo thông tin từ phía Băng-la-đét, thị trường và người tiêu dùng tỏ ra hài lòng với chất lượng gạo trắng hạt dài ‘long grain’ của Việt Nam, cách thức chế biến gạo trắng đơn giản và cho mùi vị tương đối phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của nhân dân.

Hai bên nhất trí cần có thêm khuôn khổ pháp lý thúc đẩy thương mại gạo giữa hai nước và dự kiến sẽ thảo luận các nội dung để ký kết Thỏa thuận ghi nhớ về cung cấp gạo giữa hai nước trong thời gian tới.

Nguồn: Báo Công Thương Điện Tử

Nguồn: Vinanet