Theo quy định của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, các tổ chức, các cá nhân sản xuất, kinh doanh phải có trách nhiệm công bố tiêu chuẩn áp dụng cho sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng và với tiêu chuẩn đã công bố.

 Việc áp dụng tiêu chuẩn là điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đàm phán, ký kết hợp đồng thương mại trong nước cũng như xuất khẩu. Việc áp dụng tiêu chuẩn các hệ thống quản lý và kiểm soát chất lượng, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm... giúp cho các doanh nghiệp tăng cường thêm năng lực, nhận thức cho người lao động. Tiêu chuẩn còn là tiếng nói chung giữa nhà sản xuất, nhà cung ứng và thị trường, bảo đảm được tính minh bạch trong quản lý và đáp ứng được quyền lợi của người tiêu dùng.

Thanh Hóa có hơn 4.000 doanh nghiệp, trong đó các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm trên 95%; nhiều doanh nghiệp đã quan tâm tới tiêu chuẩn và coi đó như lợi ích sát sườn, nhưng vẫn còn không ít doanh nghiệp khá lúng túng trong việc xây dựng, triển khai áp dụng các tiêu chuẩn. Sản phẩm do không xây dựng tiêu chuẩn áp dụng nên không kiểm soát được mức chất lượng, thường bị ép giá hoặc các cơ quan chức năng xử phạt vì vi phạm các quy định hiện hành. Hiện tại, hệ thống tiêu chuẩn ISO 9000 (bộ tiêu chuẩn có tốc độ phổ biến áp dụng cao nhất và hiệu quả rộng lớn nhất trong thế giới hiện đại); GMP (quy phạm thực hành sản xuất tốt)... đang được một số doanh nghiệp trong tỉnh như Công ty cổ phần  Mía đường Lam Sơn, Công ty cổ phần Xi-măng Bỉm Sơn, Công ty cổ phần Giống cây trồng Thanh Hóa... áp dụng và thực sự thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp đầu tiên được chứng nhận ISO 9000 (năm 1999) là Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn; đến tháng 6-2007 có thêm 16 doanh nghiệp được chứng nhận có hệ thống quản lý chất lượng phù hợp tiêu chuẩn TCVN ISO 9000, 3 doanh nghiệp được chứng nhận phù hợp hệ thống chất lượng HACCP (các nguyên tắc của hệ thống phân tích mối nguy và kiểm soát tới hạn); một số doanh nghiệp như Công ty cổ phần Giấy Mục Sơn, Công ty cổ phần Thiết bị giáo dục Hồng Đức, Công ty Thiện Xuân... áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2000. Từ năm 2001 đến 30-6-2008 có 1.157 sản phẩm hàng hóa của 7 nhóm hàng: nông nghiệp; thủy sản; vật liệu xây dựng; cơ khí - điện - điện tử; xăng dầu, mỡ bôi trơn, khí gas; vàng trang sức, khoáng sản, mỹ nghệ và hàng hóa khác công bố tiêu chuẩn. Do tính chất đặc thù về sản xuất, kinh doanh của mỗi doanh nghiệp đòi hỏi lãnh đạo công ty phải có phương thức điều hành và quản lý theo một hệ thống nhất định để kiểm soát toàn bộ hoạt động của công ty. Đối với Công ty Cơ giới và Xây lắp số 5, việc được chứng nhận ISO 9000 là yêu cầu bắt buộc để công ty tham gia đấu thầu. Đối với Công ty cổ phần Dược vật tư - y tế việc áp dụng GMP là điều kiện bắt buộc trong sản xuất và kiểm nghiệm thuốc tân dược. Công ty cổ phần Nước mắm Thanh Hương áp dụng HACCP để đáp ứng yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm...  Tuy nhiên tỷ lệ các doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn ở Thanh Hóa còn hạn chế.

Vấn đề đặt ra với các doanh nghiệp trong tỉnh, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ là phải hiểu rõ quy định  của pháp luật, nắm được các tiêu chuẩn và quy định về sản phẩm hàng hóa. Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật phân ra 5 loại tiêu chuẩn: tiêu chuẩn cơ bản, tiêu chuẩn thuật ngữ, tiêu chuẩn yêu cầu kỹ thuật, tiêu chuẩn phương pháp thử và tiêu chuẩn ghi nhãn, bao gói, vận chuyển và bảo quản sản phẩm, hàng hóa. Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phải có trách nhiệm công bố tiêu chuẩn áp dụng cho sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; công bố sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phù hợp với qui chuẩn kỹ thuật tương ứng và bảo đảm sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phù hợp với qui chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn đã công bố. Nếu trong quá trình các cơ quan chức năng kiểm tra có vi phạm doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Để tham gia hội nhập có hiệu quả, nhất là những doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, phục vụ các công trình trọng điểm thì cần thiết phải thực hiện tiêu chuẩn. Tiêu chuẩn, quy chuẩn dùng để chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy phải là tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia, quốc tế, khu vực, hoặc nước ngoài đáp ứng theo  quy định của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật. Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng Thanh Hóa trong những năm qua đã và vẫn đang hỗ trợ tích cực cho nhiều doanh nghiệp trong việc xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn. Tuyên truyền, phổ biến, động viên các doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9000. Tư vấn giúp các doanh nghiệp lựa chọn mô hình, phạm vi áp dụng, cách thức tiếp cận tiêu chuẩn phù hợp .

(TTXT TM Thanh Hoá)

Nguồn: Vinanet