Hiện nay, tỉnh Thanh Hoá có khoảng hơn 52.500 cửa hàng, cửa hiệu (CHCH) kinh doanh hàng hóa, trong đó có khoảng 13.000 CHCH kinh doanh nông sản, thực phẩm; hơn 15.000 CHCH kinh doanh hàng công nghiệp, tiêu dùng; khoảng 11.700 CHCH kinh doanh nguyên vật liệu phục vụ sản xuất và khoảng 15.000 CHCH kinh doanh tạp phẩm.

Nhìn chung, các CHCH trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ, chỉ có hơn 2.000 cửa hàng có diện tích trên 50 m2, còn lại hầu hết các CHCH có diện tích dưới 20 m2. Doanh số bình quân của 1 CHCH kinh doanh hàng nông sản thực phẩm vào khoảng 520 triệu đồng, CHCH kinh doanh hàng công nghiệp tiêu dùng vào khoảng 80 triệu đồng; cửa hàng kinh doanh nguyên vật liệu cho sản xuất khoảng 2,5 tỷ đồng và của các CHCH kinh doanh tạp phẩm là khoảng 66 triệu đồng. Hệ thống chợ gồm có 390 chợ được xây kiên cố, bán kiên cố và chợ tạm; trong đó có 2 chợ loại I là chợ Vườn Hoa (TP Thanh Hóa) và chợ trung tâm thị xã Bỉm Sơn; 20 chợ loại II, cũng là chợ loại III. Tổng diện tích đất chợ là 1.200.401 m2, diện tích xây dựng là 219.189 m2. Tuy nhiên, hệ thống chợ phân bố không đồng đều giữa các địa phương trong tỉnh.

 Một số địa phương như Quan Hóa chỉ đạt 0,17 chợ/xã, thị trấn;  Mường Lát 0,25 chợ/xã, thị trấn. Các chợ đều hình thành ở những vị trí hợp lý, thuận lợi cho việc phục vụ buôn bán. Song vẫn có 49/350 chợ hình thành ở vị trí làm ảnh hưởng đến giao thông và trật tự mỹ quan cần được dẹp bỏ.  Các chợ đang có xu hướng ít phụ thuộc lẫn nhau và ngày càng thiên về chức năng bán lẻ hàng hóa phục vụ cho dân cư khu vực gần chợ là chủ yếu. Còn loại hình kinh doanh siêu thị (ST) và trung tâm thương mại (TTTM) ở tỉnh vẫn đang còn mới mẻ và nhu cầu, thị hiếu của người dân về việc mua sắm trong ST và TTTM chưa cao.

Toàn tỉnh có 6 siêu thị đáp ứng được quy chế của Bộ Thương Mại là: Siêu thị Thanh Hoa  - Sông Đà; Siêu thị Fatomart, Siêu thị Dafuco Ngọc Hiệp, Siêu thị Điện Máy, Siêu thị Nội thất đồ gỗ và Siêu thị nội thất Đài Loan và 4 cơ sở kinh doanh đặt tên gọi là TTTM là: TTTM Thanh Hóa (Thanh Hoa - Plaza), TTTM Thanh Hoa (Thanh Hoa Trade Centrer), TTTM Bảo Trung và TTTM Quảng Xương (thực tế chưa đủ tiêu chí TTTM). Hầu hết các siêu thị và TTTM có quy mô bề thế, hàng hóa phong phú đa dạng, chất lượng bảo đảm đáp ứng tương đối đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của một bộ phận dân cư. Phương thức kinh doanh ngày càng đổi mới theo hướng hiện đại và tiện dụng. Việc tổ chức kinh doanh có hiệu quả và trên đà phát triển. Tuy nhiên, do thiếu quy hoạch và hướng dẫn tổ chức nên siêu thị và TTTM phát triển còn mang tính tự phát, công tác quy hoạch chưa bảo đảm. Đặc biệt phương thức tổ chức hoạt động, quản lý, khai thác siêu thị, TTTM còn đơn lẻ, chưa có sự phối hợp liên kết với nhau.

 

Đến thời điểm từ 1-1- 2009, theo lộ trình gia nhập WTO, Việt Nam sẽ cho phép thành lập doanh nghiệp bán lẻ 100% vốn nước ngoài là cơ hội để các Siêu thị,  TTTM lớn hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ thâm nhập và thôn tính thị trường bán lẻ của tỉnh.

Với khoảng 4 triệu dân cùng mức lưu chuyển hàng hóa và thu dịch vụ xã hội toàn tỉnh tăng bình quân hàng năm tương đối cao (năm 2007 tăng so với cùng kỳ 19%) thì thị trường Thanh Hóa đang là địa chỉ hấp dẫn của các tập đoàn bán lẻ lớn. Gần đây nhất, Tập đoàn IN đã khai trương một cửa hàng bán lẻ ở TP Thanh Hóa, đang thu hút ngày càng đông khách hàng do phong cách phục vụ chuyên nghiệp, hiện đại cùng hàng hóa có chất lượng bảo đảm. Trong điều kiện màng lưới bán lẻ tỉnh ta vẫn hoạt động ở quy mô nhỏ lẻ, chưa có sự liên kết để hình thành một chuỗi bán lẻ hay tập đoàn bán lẻ đủ mạnh.

Để có thể trụ vững, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phân phối bán lẻ cần thiết phải bắt tay, hình thành hiệp hội, tổ chức để hỗ trợ sức mạnh cho các doanh nghiệp khi cạnh tranh với các đối thủ mạnh. 

 

 

Nguồn: Vinanet