Sức mua lớn nhưng các yêu cầu về chất lượng, mẫu mã của người châu Phi lại ở mức vừa phải, không quá khắt khe như các thị trường EU, Mỹ, Nhật... Có thể nói, châu Phi là thị trường khá lý tưởng, phù hợp với trình độ sản xuất và khả năng của các nước đang phát triển như Việt Nam, nhất là giá cả.

Thời gian qua, DN Việt Nam đã phát triển thị trường châu Phi chủ yếu từ 2 hướng: Thứ nhất, từ Bắc Phi thông qua thị trường Ai Cập, Libi và thứ hai, từ Cộng hoà Nam Phi để thâm nhập các quốc gia phía Nam và Trung Phi. Nam Phi và Ai Cập cũng là 2 thị trường lớn nhất của Việt Nam ở châu Phi.

Theo Tham tán Thương mại tại Ai Cập cho biết: Ai Cập năm 2007 đã NK thủy sản Việt Nam trị giá tới hơn 20 triệu USD (gấp 5 lần so với năm 2006). Thêm vào đó, cà phê, cơm dừa… của Việt Nam cũng được thị trường Ai Cập ưa chuộng. Ngoài ra, XK sang một số thị trường mới như Bê-nanh, Ma rốc, Nigiêria… cũng có bước tiến đáng kể. Năm 2007, các DN Việt Nam đã XK sang thị trường Bê-nanh (Bénin) 15,4 triệu USD hàng hoá các loại, tăng 152% so với năm 2006. Các mặt hàng XK chính gồm dệt may, gạo, thuốc lá và nguyên phụ liệu thuốc lá, sản phẩm chất dẻo. Với thị trường Marốc, năm 2007 Việt Nam đã XK sang thị trường này hơn 46 triệu USD hàng hoá, tăng khoảng 110% so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng XK chủ yếu là cà phê, tivi màu, giày dép, linh kiện máy tính, cao su, xăm lốp xe đạp, xe máy, quần áo, cơm dừa... Đặc biệt, hiện nay cà phê là sản phẩm đứng đầu trong cơ cấu hàng XK của Việt Nam vào thị trường Marốc, chiếm 41% tổng giá trị XK. Dự báo, nếu hoạt động xúc tiến thương mại được triển khai tốt, XK cà phê của chúng ta vào Marốc có thể đạt khối lượng 13.000-14.000 tấn mỗi năm.

Tuy có những điều kiện thuận lợi, bước phát triển như đã nói ở trên nhưng đến nay trao đổi kim ngạch hai chiều Việt Nam - châu Phi vẫn dừng ở mức khiêm tốn. Theo số liệu của Bộ Công Thương, năm 2007, Việt Nam XK sang châu Phi lượng hàng hóa trị giá 685 triệu USD, tập trung chủ yếu tại vài thị truờng chính như: Ai Cập, Nam Phi, Ma rốc… Con số này thấp hơn nhiều so với tiềm năng của thị trường này.

Tham tán Thương mại tại Nam Phi cho rằng, điều kiện địa lý xa xôi, nét văn hóa có nhiều điểm khác biệt chính là rào cản lớn đối với DN Việt Nam. Bên cạnh đó, phương thức XK qua trung gian trong thời kỳ đầu khai phá thị trường châu Phi đã không còn thích hợp trong điều kiện hiện nay.

Do đó, để khơi thông các cơ hội hợp tác kinh doanh và đẩy mạnh XK, cần nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc, khắc phục những khó khăn, trở ngại. Thứ nhất, về phía Nhà nước, cần tiếp tục tham gia trực tiếp vào việc ký kết các thỏa thuận cấp Chính phủ với các nước có nhu cầu NK hàng hóa. Bộ Công Thương cũng nên xem xét việc đặt thêm các đại diện thương mại tại châu Phi nhằm chắp nối các cơ hội hợp tác, làm đầu mối thông tin, cũng như đảm bảo cho các hoạt động thương mại được diễn ra suôn sẻ, hiệu quả.

Về phía DN trong nước, cần phải tăng cường công tác nghiên cứu thị trường châu Phi. Đặc biệt tìm hiểu kỹ phong tục, tập quán văn hoá và sở thích của người dân châu Phi để tổ chức nguồn hàng phù hợp; nghiên cứu để có thể mở văn phòng đại diện hoặc chi nhánh công ty, xây dựng kho ngoại quan tại một số thị trường chính như Nam Phi, Ai Cập, Libi…; đầu tư trực tiếp vào một số lĩnh vực như dệt may, giày dép, lắp ráp xe máy... ở các thị trường tiềm năng. Mua quyền khai thác rừng, chế biến đồ gỗ XK, xây dựng các nhà máy chế biến nông sản, thực phẩm để XK tại chỗ, xây dựng nhà máy sơ chế để nhập khẩu về nước làm nguyên liệu. Nâng cao khả năng cạnh tranh của DN; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại và tiếp cận thị trường châu Phi của DN. Đa dạng hoá mặt hàng đi đôi với xây dựng thương hiệu hàng hoá đồng thời áp dụng nhiều phương thức XK vào thị trường này…

(Thương mại)

 

Nguồn: Vinanet