Sự khó khăn của kinh tế toàn cầu đã bắt đầu thể hiện trên các thị trường tài chính, chứng khoán và tiền tệ bởi thiếu sự đồng thuận về các giải pháp của các tổ chức khu vực và quốc tế có đủ năng lực dẫn dắt toàn cầu khắc phục tác động từ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới. Tình hình đó đã gây ra ở một số nơi sự bất ổn, bạo lực, phẫn nộ của xã hội do không đáp ứng được các nhu cầu tối thiểu của đa số người dân, buôc chính họ phải gánh chịu các hậu quả, khởi nguồn từ các nền kinh tế tư bản phát triển nhất thế giới.
Trong cuộc họp thượng đỉnh của Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR) ngày 28/7/2011 tại Lima, nguyên thủ các quốc gia thành viên tổ chức này đã quyết định đề ra chính sách chung để chống tác động của cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế, đồng thời ra một tuyên bố về đấu tranh chống bất bình đảng xã hội trong khu vực.
Để đương dầu với các thách thức của kinh tế thế giới, UNASUR đã khuyến khích thúc đẩy sự thống nhất trong khu vực, khởi đầu bằng cuộc họp của Ủy ban Kinh tế và Tài chính Nam Mỹ với sự tham gia của các Bộ trưởng Tài chính và Chủ tich các Ngân hàng trung ương của các nước thành viên. Hội nghị đã nhất trí xây dựng các cơ chế và kế hoạch hành động để đương đầu với nạn khủng hoảng.
Tâm điểm của kế hoạch là cùng phối hợp vạch ra các biện pháp trong lĩnh vực kinh tế và tài chính để đối phó với khủng hoảng tài chính thế giới, cũng như việc đánh giá tiềm năng của các tổ chức tài chính hiện hành và xây dựng một kiến trúc kinh tế tài chính mới của khu vực hướng tới củng cố vai trò của nam Mỹ trên phạm vi thế giới trong xu hướng toàn cầu hóa về tài chính và thương mại, làm giảm thiểu sự dễ tổn thương đến từ bên ngoài đối với các nền kinh tế khu vực và tạo thuận lợi cho bộ máy sản xuất nhằm đáp ứng các nhu cầu cơ bản của người dân. Đó là trách nhiệm chính của Ủy ban để thúc đẩy tiến trình liên kết khu vực và giải quyết các vấn đề thuộc về cơ cấu tài chính trong trung hạn và dài hạn.
Ủy ban đã thỏa thuận đẩy nhanh việc thành lập ba nhóm công tác nhằm vạch ra các hành động cụ thể trong khoảng thời gian 60 ngày. Theo đó nhóm thứ nhất sẽ đề ra các biện pháp hợp tác kỹ thuật liên quan đến việc điều hành, quản lý và huy động dự trữ ngoại hối. Nhóm thứ hai sẽ tập trung nghiên cứu việc thúc đẩy sử dụng các đồng tiền của khu vực trong thương mại nội khối. Nhóm thứ ba tập trung xem xét lại Hiệp định thanh toán và tín dụng tương hỗ của ALADI và đánh giá sáng kiến về hệ thống thanh toán bù trừ bằng đồng Sucre của các nước ALBA.
Hội nghị cũng đã đạt được nhất trí cao trong việc thúc đẩy và mở rộng hoạt động của Ngân hàng Phương Nam (Banco del Sur) nhằm tăng cường cung cấp tài chính cho khu vực trước việc hạn chế cho vay tín dụng của Ngân hàng Thế giới và Quỹ tiền tệ Quốc tế do các tổ chức tài chính lớn này đã mất đi vai trò trên thị trường tài chính toàn cầu. Ngân hàng Phương Nam với chủ quyền của các nước thành viên sẽ không đưa ra các điều kiện cho vay theo kiểu của chủ nghĩa tự do mới đã dẫn đến khủng hoảng nợ nước ngoài, tăng tỉ lệ nghèo đói và bất bình đẳng xã hội trong các thập niên 80, 90 của thế kỷ trước ở khu vực, người ta đã gọi đấy là các thập niên khó khăn của Mỹ La Tinh.
Các mục tiêu chủ yếu của cấu trúc tài chính mới sẽ là :
- Tiếp nhận nguồn vốn của các ngân hàng trung ương, ngân hàng phát triển của các quốc gia và các tổ chức tài chính quốc tế khác để phục vụ cho khu vực;
- Cấp tín dụng cho các dự án phát triển thuộc các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế các nước thành viên UNASUR hướng tới mở rộng thị trường nội địa, tạo ra nhiều việc làm mới và cải thiện chất lượng của cuộc sống;
- Điều hành, quản lý và và cơ cấu nợ công, phát hành trái phiếu nợ trong các điều kiện tài chính tốt nhất và ít rủi ro nhất;
- Là công cụ hữu hiệu để khuyến khích tiết kiệm nội địa trong khu vực, nhất là ở các quỹ hưu trí đại diện cho tài chính dài hạn;
- Hoạt động như quỹ bình ổn kinh tế vĩ mô hỗ trợ và tư vấn cho các thành viên trong các chính sách kinh tế gắn với các chương trình xã hội;
- Cấp tài chính cho các dự án để mở rộng các dây chuyền sản xuất trong khu vực nhằm phát triển và củng cố thị trường nội khối;
- Khuyến khích việc thành lập các quỹ tài chính để thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực, trong đó ưu tiên cho phát triển hài hòa và giảm thiểu sự chênh lệch hiện hành giữa các nền kinh tế;
- Giữ vai trò cố vấn của các nước thành viên hoặc của các tổ chức tín dụng quốc tế, song phương hoặc đa phương nhằm mục đích quản lý các nguồn vốn dài hạn
Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cao của Mỹ La Tinh trong thập niên qua và các dự báo về mức tăng trưởng 4,6% cho năm nay của FMI đã khẳng định thập niên này là thập niên của khu vực Mỹ Latinh. Khu vực Mỹ Latinh đã được chuẩn bị tốt hơn để đương đầu với khủng hoảng, với tổng dự trữ ngoại hối của khu vực đạt trên 580 tỷ USD. Hiện thời Mỹ Latinh phải tìm ra một cơ chế để củng cố tiến trình hội nhập.
UNASUR đang đứng trước một vị thế mới với nhiều cơ hội và tiềm năng để phát triển như có nguồn dự trữ nhiên liệu dồi dào, nguồn nước ngọt phong phú, có các lợi thế của các nước xuất khẩu lương thực, thực phẩm, nguyên liệu và khoáng sản cũng như các sản phẩm công nghiệp. Xây dựng một kiến trúc kinh tế và tài chính mới sẽ cho phép khu vực phát triển toàn diện và chiến thắng nghèo đói trong thế kỷ này.
Tăng trưởng GDP của các nước Mỹ Latinh ước năm 2011, xem tại đây.
Moit.gov.vn

Nguồn: Vinanet