Vào giữa năm 2010, World Cup 2010 được tổ chức tại Nam Phi. “Cờ đến tay”, Nam Phi đã “gồng” mình, chứng tỏ sức mạnh của sự vươn lên không mệt mỏi trong bối cảnh đất nước đang phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn bởi sự lan tỏa do khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Nam Phi đã nhanh chóng lo đủ 10 sân vận động (SVĐ) tiêu chuẩn quốc tế (5 SVĐ xây mới và 5 SVĐ nâng cấp) và đã hoàn thành trước trận khai mạc 76 ngày. Đối với World Cup 2010 tại Nam Phi, cộng đồng quốc tế không chỉ xem bóng đá trên các SVĐ mà còn là dịp cho Nam Phi quảng bá hình ảnh đất nước đối với bạn bè quốc tế và hy vọng sẽ cải thiện một bước nền kinh tế của mình. Mong muốn và kỳ vọng đã thực sự đến với dân chúng Nam Phi trong niềm hân hoan của hàng triệu người trên thế giới - chứng kiến một sự kiện khó quên tại đất nước này. Thật vậy, thời điểm đó người dân Nam Phi đã thụ hưởng không khí lạc quan, tin tưởng tới tương lai. Hình ảnh Nam Phi bắt đầu đậm nét với nhiều nhận xét, ca ngợi về sự chuẩn bị chu đáo, đầy trách nhiệm với sự kiện. Hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng được nâng cấp khang trang hơn. Theo đó, thương mại, dịch vụ cũng phát triển; nhu cầu hàng hóa, thị hiếu tiêu dùng phong phú, sôi động… tăng thêm niềm tin vào thị trường; thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại với các đối tác quan tâm vào thị trường tiềm năng này.

Sau World Cup 2010, vào dịp cuối năm, Nam Phi lại vinh dự được chọn đăng cai sự kiện không kém phần quan trọng, đó là Festival Thanh niên, sinh viên thế giới lần thứ 17 (WFYS-17) diễn ra tại Thủ đô Pretoria - vào tháng 12/2010, với chủ đề “Vì một thế giới hòa bình, đoàn kết và cải biến xã hội”. Tham dự sự kiện này có khoảng 10 ngàn đại biểu đến từ 140 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó Đoàn đại biểu thanh niên, sinh viên Việt Nam có 135 thành viên tham gia. WFYS - 17 có thể coi là diễn đàn thanh niên với nhiều hoạt động có nội dung phong phú, đó là các vấn đề xã hội, chính trị, kinh tế, quyền lao động; vai trò của thanh niên tham gia vào lĩnh vực kinh tế, bảo vệ môi trường, phát triển giáo dục, đấu tranh vì hòa bình, đoàn kết chống chủ nghĩa đế quốc…

 Với sự kiện quan trọng này, hình ảnh đất nước và người dân Nam Phi một lần nữa lại tiếp tục được quảng bá sâu rộng hơn, thêm nhiều quốc gia, nhiều dân tộc biết đến Nam Phi, đất nước thân thiện, mến khách và thị trường tiềm năng, phong phú trong lĩnh vực kinh tế thương mại, kéo theo mức tăng trưởng GDP năm 2010 có thể ước đoán trên 3,5%, lạc quan hơn nhiều so với dự đoán trước đây ( 2,8-3,1%).

Những sự kiện tầm cỡ đã “tin cậy” chọn Nam Phi là nhà tổ chức. Nam Phi đang được đánh giá là thị trường tiềm năng, sau nhiều bứt phá nỗ lực. Vậy các DN Việt Nam đã nhìn thấy gì ở thị trường này?. Hàng hóa của Việt Nam xuất sang Nam Phi vẫn hạn chế cả về cơ cấu ngành hàng và số lượng. Thực tế những năm qua cho thấy, có nhiều nguyên nhân dẫn đến kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh mỗi nước. Trước hết về mặt địa lý, Việt Nam và Nam Phi cách nhau khá xa, chi phí lưu thông tốn kém; thông tin và sự hiểu biết về thị trường của nhau chưa sâu, cộng đồng người Việt ở Nam Phi không nhiều nên có lúc không nhận được hỗ trợ, giúp đỡ từ phía cộng đồng… Tuy nhiên, đó chưa phải là nhân tố chính để tìm cách khắc phục. Vấn đề mấu chốt là đầu tư trong hoạt động xúc tiến thương mại chưa nhiều, chưa sâu. Ngoài ra, nguồn hàng của Việt Nam chưa phải là nhiều và phong phú để có thể đáp ứng cho thị trường nước sở tại; trong khi đó còn phải cạnh tranh với sản phẩm các nước tiên tiến như Mỹ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… đang giữ thị phần cao trong Nam Phi và cả châu lục.

Do vậy, muốn đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường châu Phi nói chung và Nam Phi nói riêng, thì vấn đề đầu tư và công tác xúc tiến thương mại là quan trọng nhất, bao gồm đầu tư cả nhân lực, vật lực và thời gian, kể cả chính sách hỗ trợ đầu tư và mức độ sẵn sàng của các doanh nghiệp. Đương nhiên công tác này là lâu dài, cần chuẩn bị chu đáo và không thể nóng vội.

Nhìn lại hoạt động xúc tiến thương mại giữa Việt Nam và Nam Phi năm 2010, nổi lên sự cố gắng đáng ghi nhận của một số tập đoàn, doanh nghiệp trong việc mạnh dạn đầu tư nghiên cứu, tìm hiểu thị trường tại Nam Phi như Tập đoàn Acecook Việt Nam, đã có mặt tại Hội chợ triển lãm Saitex và Big Seven vào tháng 7/2010. Đây là Hội chợ triển lãm lớn, thường niên tổ chức tại Nam Phi. Do công tác đầu tư tham dự hội chợ chuẩn bị khá chu đáo (lãnh đạo Acecook Vietnam trực tiếp chỉ đạo tại hội chợ) để giới thiệu, quảng bá sản phẩm nên rất hiệu quả và thành công. Ngay ngày đầu tiên đã thu hút hàng ngàn lượt khách Nam Phi và các nước khác dùng thử sản phẩm, đa số các đối tác có nhận xét tốt về sản phẩm của Acecook Vietnam. Kết thúc hội chợ có hàng trăm doanh nghiệp nước bạn đặt quan hệ thương thảo hợp đồng… Một công ty khác Lotus Rice từ TP. Hồ Chí Minh, đã mạnh dạn đầu tư tài trợ cho Hội nghị về Gạo tại Cape Town. Giám đốc công ty này rất có năng lực và tư duy về thị trường, ngoại ngữ khá tốt nhưng vẫn thuê một người nước ngoài làm nhân viên phát triển thị trường. Đây là một cách làm mới, hiệu quả, được đánh giá cao.

Những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang Nam Phi tăng từng năm: Năm 2007 là 143 triệu USD, năm 2008 là 147 triệu USD, năm 2009 là 377,8 triệu USD và 11 tháng của năm 2010 là 468,5 triệu USD... phần nào khẳng định, các doanh nghiệp Việt Nam đã có thay đổi chiến lược kinh doanh với địa bàn như Nam Phi mà trong đó công tác đầu tư, xúc tiến thương mại không kém phần quan trọng. Với đà này, nếu mạnh dạn đầu tư thực hiện những chương trình hành động sát thực, cụ thể phù hợp với với những đặc điểm của mỗi nước, hy vọng sẽ tạo sự đột phá đưa quan hệ hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam - Nam Phi tiến tới bền vững.

Nguồn :baocongthuong.com.vn

Nguồn: Vinanet