Năng lực sản xuất của ngành vật liệu xây dựng (VLXD) nước ta đã vượt cao hơn so với nhu cầu tiêu dùng trong nước. Thậm chí, một hai năm trở lại đây VLXD rơi vào tình trạng ế ẩm hơn lúc nào hết. Để cứu vãn khối lượng VLXD tồn kho, nhiều doanh nghiệp trong nước đã tìm hướng xuất khẩu cho mặt hàng này.

Bộ Xây dựng cho biết, thay vì phải nhập khẩu khá nhiều sản phẩm VLXD đáp ứng nhu cầu trong nước như trước đây, đến nay ngành công nghiệp sản xuất VLXD nước ta đã phát triển khá mạnh cả về quy mô lẫn sản lượng và chất lượng. Vì vậy, Bộ Xây dựng khẳng định, nếu không có những giải pháp cụ thể để tìm đầu ra cho ngành này thì trong vài năm tới, lượng VLXD dư thừa sẽ không biết bán đi đâu. Cho nên, VLXD hướng đến xuất khẩu là hướng đi đúng đắn.

Theo số liệu thống kê của Bộ Xây dựng, năm 2011 kim ngạch xuất khẩu của ngành VLXD đã đạt ngưỡng 765,9 triệu USD, tăng hơn 86% so với năm 2010 (xuất khẩu cao nhất từ trước đến nay). Trong đó, một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng cao như: gạch gốm xây dựng (tăng 70%), đá xây dựng (tăng 25%), thủy tinh, clanhke xi măng… cũng tăng với số liệu khả quan. Tuy nhiên, ông Phạm Văn Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cũng đánh giá, mặc dù kim ngạch xuất khẩu VLXD cao nhưng việc xuất khẩu các sản phẩm VLXD của nước ta hiện chưa nhiều, chưa tướng xứng với tiềm năng của nó. Vì vậy, các doanh nghiệp cần phải xem xét lại để có hướng đi đúng. Để tìm đầu ra cho sản phẩm VLXD, ông Lý Quốc Hùng, Vụ trưởng, Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á (Bộ Công thương) cho biết: "Thị trường Trung Đông đang có nhu cầu lớn về VLXD. Do có nguồn thu ngoại tệ lớn từ ngành công nghiệp dầu khí nên các nước này đang tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng…”. Dự kiến trong 2 năm (2012-2013) các nước Trung Đông sẽ đầu tư khoảng 915 tỉ USD cho các dự án xây dựng. Ngoài ra, sản xuất nội địa của các nước Trung Đông chỉ sản xuất các sản phẩm xi măng siêu nhẹ, còn các mặt hàng khác đa số phải nhập khẩu. Những điều này, đã mang lại cơ hội lớn cho các nhà cung cấp từ bên ngoài, trong đó có Việt Nam. Những nước có nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm VLXD lớn như: Ả-rập Xêút, Cô-oét, Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất, Quatar...

Ngoài thị trường Trung Đông, châu Phi cũng là thị trường tiềm năng. Bởi châu Phi cũng có nhu cầu thị trường lớn, dễ tính, có tiềm lực kinh tế lớn do xuất khẩu dầu mỏ, khí đốt… Ngoài ra, châu Phi cũng có nhiều dự án lớn đang và sẽ được triển khai trong thời gian tới nên nhu cầu tiêu dùng VLXD là rất cao. Ông Phạm Văn Bắc khẳng định: "Thị trường Trung Đông và châu Phi đang là thị trường tiềm năng đối với doanh nghiệp xuất khẩu VLXD, song để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu mở rộng thị trường, đặc biệt tại những thị trường mới, cơ quan thương vụ cần hỗ trợ doanh nghiệp tìm hiểu thị trường, tìm hiểu kỹ các đối tác nhập khẩu để tránh rủi ro. Các cơ quan ngân hàng cần có chính sách hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp như: giãn nợ, khoanh nợ, cho vay lãi suất thấp…”. Bên cạnh sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, các doanh nghiệp cũng nên chọn giải pháp tự cứu mình bằng cách chủ động đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị sản xuất để làm ra những sản phẩm có giá thành thấp tăng sức cạnh tranh. Đặc biệt, làm gì đi nữa cũng phải bảo đảm chất lượng cho sản phẩm. Sản phẩm của doanh nghiệp có trụ được lâu trong thị trường nước ngoài hay không là do chất lượng sản phẩm quyết định.

Nguồn: Tin tham khảo