Liên kết thương mại giữa Việt Nam (VN) với Trung Quốc (TQ) và các nước Châu Á đã ngày càng tăng trong bối cảnh khủng hoảng ở Châu Âu và bất ổn kinh tế toàn cầu. Để bù đắp XK giảm từ thị trường Mỹ/Châu Âu, VN nên tăng XK sang các nền kinh tế Châu Á.

Đó là gợi ý của ông Warren Hogan - chuyên gia kinh tế trưởng ANZ - tại cuộc thảo luận về “Khủng hoảng kinh tế Châu Âu và Mỹ - bài học kinh nghiệm” vừa được tổ chức tại Hà Nội.

Việt Nam đi sau trong quá trình hồi phục XK

Tình hình thương mại của các nền kinh tế mới nổi của Châu Á đã chuyển hướng tăng mạnh trong những tháng gần đây, khi triển vọng kinh tế Mỹ được cải thiện, suy thoái ở Châu Âu đã được khắc phục và TQ đã “hạ cánh” an toàn. Nếu phân loại các nền kinh tế đang lên của Châu Á theo (i) mức độ tương đồng trong giỏ hàng hóa XK giữa những nước đó với toàn bộ Châu Á (trừ Nhật Bản), và (ii) tỉ trọng của các hàng hóa trung gian trong giỏ hàng hóa XK thì Thái Lan và Hàn Quốc sẽ dẫn đầu quá trình hồi phục XK và Phillippines, VN là các nước đi sau.

VN nên tăng XK sang các nền kinh tế Châu Á

Thông điệp chính về tình hình VN do ANZ đưa ra là “vẫn còn thách thức ngắn hạn, nhưng các yếu tố cơ bản là tích cực”. Lực cầu trong nước tiếp tục là động lực cho hoạt động kinh tế. Các liên kết tài chính đối với Mỹ và Châu Âu yếu. Chính sách tiền tệ sẽ dần dần được nới lỏng, tăng trưởng vừa phải, lạm phát tuy một con số nhưng vẫn ở mức cao và tiếp tục giảm giá tiền đồng. Mặc dù việc tăng trưởng của Châu Âu yếu đi đáng kể có thể tác động tiêu cực (ít) đối với hoạt động XK của VN. Các nền kinh tế TQ và Mỹ đang tăng trưởng và sẽ là thị trường XK thay thế đối với VN trong những năm tới. VN nên xem xét các cách thức tăng XK sang các nền kinh tế Châu Á.

Hiện nay VN đang thâm hụt thương mại với TQ và ASEAN. Với TQ là do sự phụ thuộc ngày càng nhiều của VN vào máy móc thiết bị và các đầu vào sản xuất khác của TQ. Thâm hụt thương mại với ASEAN là do NK xăng dầu và khí tự nhiện từ Malaysia, Indonesia, và NK hàng điện tử từ Singapore và Thái Lan.

Sẽ rủi ro nếu chính sách tiền tệ bị nới lỏng quá mức và quá sớm

Triển vọng kinh tế VN năm 2012 là tăng trưởng GDP đang chậm lại khi tiền tệ bị thắt chặt hơn năm 2011. Công nghiệp và xây dựng tiếp tục hoạt động kém. Lạm phát đã giảm xuống, nhưng vẫn còn áp lực do giá hàng hóa trên thế giới tăng (lương thực và dầu) và nếu chính sách tiền tệ bị nới lỏng quá mức và quá sớm.

ANZ khuyến nghị các điều kiện tiền tệ sẽ cần phải duy trì ở mức tương đối chặt chẽ trong năm 2012 để kiểm soát lạm phát và neo giữ kỳ vọng lạm phát. Họ kỳ vọng NHNN sẽ cắt giảm lãi suất chính sách, nhưng chỉ dần dần trong năm với tổng mức cắt giảm khoảng 4% cho cả năm. Trong tương lai gần, thách thức chính sách nằm ở chỗ cần đạt được sự cân bằng giữa mức tăng trưởng mong muốn và kiềm chế lạm phát.

Theo ANZ, VN vẫn là một đích đến hấp dẫn cho các NĐT nước ngoài nhờ điều kiện địa lý thuận lợi và lực lượng lao động trẻ có tính cạnh tranh. Khi TQ liên tục tiến lên những nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị và bỏ dần những ngành sản xuất giá trị thấp, VN và các nước khác trong khu vực Mekong sẽ hưởng lợi. Các cải cách cơ cấu (đã bắt đầu từ năm 2012) trong những năm tiếp theo là cần thiết để nâng cao năng lực cạnh tranh của VN.

(LD)

Nguồn: Báo lao động