Trong văn bản bày tỏ quan điểm gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, Bộ Công Thương cho rằng khái niệm "nguyên liệu đồng dạng thô chưa qua tái chế" không rõ ràng. Trong các văn bản quy phạm pháp luật hay từ điển chuyên ngành không có khái niệm này. Thực tế hàng hóa buôn lậu bị các lực lượng chức năng bắt giữ theo báo cáo của Văn phòng thường trực 389 quốc gia và Bộ Tài chính chỉ có hàng hóa là quặng đồng và đồng phế liệu.
Ngoài ra, theo Bộ Công Thương, thu gom đối với đồng phế liệu chủ yếu là các lao động ở các thành thị và nông thôn, tạo không ít việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động. Việc thu gom đồng phế liệu để tái chế sử dụng trong nước và xuất khẩu nhằm tận thu kim loại quý, giảm thiểu ô nhiễm môi trường rất cần được khuyến khích.
Hơn nữa, việc xảy ra xuất lậu trong thời gian qua, theo Bộ Công Thương, chủ yếu là Chính phủ có chủ trương dừng xuất khẩu quặng đồng và tinh quặng đồng để cung cấp cho các dự án luyện đồng trong nước.
"Nếu tạm dừng xuất khẩu phế liệu đồng không những không ngăn chặn được tình hình mà còn có thể gia tăng việc xuất lậu đối với mặt hàng này. Ngoài ra, còn ảnh hưởng đến việc làm và đời sống của hàng nghìn lao động nghèo", Bộ Công Thương lưu ý.
Bộ Công Thương cũng cho biết lượng đồng phế liệu xuất, nhập khẩu hàng năm là không lớn. Chẳng hạn năm 2014 chỉ xuất khẩu 1.434 tấn, trị giá hơn 141 tỷ đồng còn nhập khẩu 3.196 tấn, trị giá trên 275 tỷ đồng.
Hiến kế ngăn chặn gian lận thương mại và xuất lậu đồng phế liệu, Bộ Công Thương đề nghị Thủ tướng giao Bộ Tài chính xem xét, điều chỉnh nâng thuế suất đối với mặt hàng phoi tiện, phoi bào, bụi xẻ, bột đẽo của đồng... từ thuế suất 0% lên mức tối đa khung phạm vi khung thuế suất do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định.
Đồng thời, Ban 389 quốc gia chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm soát việc xuất lậu quặng đồng và đồng phế liệu qua biên giới.
Phạm Hà Nam