Thứ trưởng Trần Tuấn Anh: Nửa đầu năm 2015, tăng trưởng xuất khẩu chưa đạt được kì vọng (mức tăng thấp hơn 9%) trong khi đó mục tiêu tăng trưởng cả năm là 10%. Tuy nhiên, càng những tháng về sau mức tăng trưởng lại cao hơn tháng trước. Đây là sự nỗ lực rất lớn của nền kinh tế, đặc biệt là trong bối cảnh thương mại toàn cầu và thương mại khu vực đang phải chịu đựng sự “ốm yếu” của nền kinh tế thế giới nói chung.
Tháng 8 vừa qua, Trung Quốc đã đột ngột thay đổi tỉ giá đồng Nhân dân tệ và bước đầu gây ra bất lợi cho các ngành hàng của chúng ta. Nhưng cũng trong tháng 8, chúng ta xuất khẩu đạt 14,28 tỷ USD, cao hơn so với cùng kỳ năm 2014. Tăng trưởng trong 8 tháng về xuất khẩu đạt 9,6%.
Như vậy, có thể thấy, trong bối cảnh khó khăn chung thì kinh tế Việt Nam, đặc biệt là xuất khẩu, vẫn tiếp tục tăng trưởng tương đối ổn định; là cơ sở để đạt mục tiêu năm 2015 mà Quốc hội đã đề ra cũng như tiếp tục tạo được tiền đề tốt cho giai đoạn 2015-2020.
Không thể phủ nhận những khó khăn chung của thị trường thế giới tác động đến Việt Nam nhưng sức sống của các lĩnh vực trong nền kinh tế của chúng ta đã được khẳng định, đang từng bước vượt qua khó khăn. Mặc dù một số ngành đang còn khó khăn như: Chế biến nông sản, công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản còn chịu tác động của các yếu tố của tỷ giá… nhưng chúng ta đã vượt qua được.
Nguyên nhân chính là những chỉ đạo của Chính phủ xuyên suốt từ đầu năm trong việc tiếp tục ổn định môi trường sản xuất kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho DN, đặc biệt là định hướng kiên quyết của Chính phủ về cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục trong sản xuất kinh doanh cũng như trong xuất khẩu đã tạo thuận lợi cho DN.
Có thể thấy, con số tăng trưởng của tháng 8 chính là khả năng thích ứng của nền kinh tế nước ta và hiệu quả của những điều chỉnh linh hoạt, kịp thời của Chính phủ cũng như khả năng của chúng ta có thể vượt qua khó khăn để phấn đấu đạt mục tiêu chung trong tăng trưởng của xuất nhập khẩu và của nền kinh tế.
Việt Nam hiện vẫn phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nguyên liệu là đầu vào cho hoạt động sản xuất trong nước. Trong khi đó, sự mất giá của đồng Nhân dân tệ và tiền đồng so với USD hiện nay là gần tương đương nhau. Theo ông, liệu hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có khả năng rẻ hơn không, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường EU và Mỹ có bị tác động nhiều không?
Thứ trưởng Trần Tuấn Anh: Phải khẳng định rằng, sự mất giá của đồng Nhân dân tệ sẽ có những tác động cả ngắn hạn và dài hạn với nền kinh tế.
Trước mắt việc này sẽ ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của một số sản phẩm như: Dệt may, thủy sản và một số thị trường như Mỹ, châu Âu,… Nhưng sự phản ứng linh hoạt trong điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ cũng như vai trò của Ngân hàng Nhà nước qua điều chỉnh tỷ giá nội tệ đã giúp các DN khắc phục khó khăn trước mắt. Vì thế, trong ngắn hạn, những thay đổi về tỉ giá đồng Nhân dân tệ và USD không tác động nhiều đến sức cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam.
Tuy nhiên, về lâu dài thì nền kinh tế và các sản phẩm của chúng ta còn phụ thuộc nhiều vào hàng nhập khẩu như: Dệt may, da giày và một số ngành công nghiệp khác đang phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung cấp trang thiết bị, máy móc, công nghệ từ Trung Quốc. Do vậy, trước mắt và trung hạn, chúng ta chưa thể thay đổi ngay được mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau giữa thị trường Việt Nam và thị trường Trung Quốc, trong đó phần nhập siêu sẽ nghiêng về phía chúng ta.
Vì vậy, tôi cho rằng trong chiến lược đa dạng hóa thị trường mục tiêu đến năm 2020 là cần thiết để xác định nhiệm vụ, yêu cầu và những biện pháp lâu dài. Trong đó, ta phải tiếp tục hoàn thiện đồng bộ các chính sách không chỉ trong thương mại mà trong cả đầu tư sản xuất trong công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng,… thì mới có thể cải thiện thương mại hai chiều của Việt Nam với Trung Quốc và tiến tới cân bằng cán cân thương mại hai bên.
Bên cạnh đó, trong thời gian tới tôi cho rằng sẽ có những thay đổi tích cực và thuận lợi hơn khi chúng ta thực thi các cam kết hội nhập, trước mắt sẽ thu hút được nguồn đầu tư của nước ngoài vào các ngành công nghiệp phụ trợ và một số ngành sản xuất khác. Đồng thời, việc hội nhập cũng sẽ tạo nên năng lực sản xuất nội địa để giảm bớt phụ thuộc vào các nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc và một số thị trường khác.
Trong bối cảnh chúng ta đang hội nhập sâu rộng với hàng loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA) cùng với việc mở cửa hàng rào thuế quan cũng tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa nước ngoài thâm nhập sâu rộng vào thị trường nước ta. Vậy để xuất siêu bền vững thì cần những giải pháp gì, thưa ông?
Thứ trưởng Trần Tuấn Anh: Thời gian tới, có một số yếu tố cụ thể để thúc đẩy việc xuất siêu đó là DN phải chú ý đến các khung khổ hội nhập của những thị trường mới sẽ có những yêu cầu, đòi hỏi cao về mặt chất lượng sản phẩm cũng như cả hàng rào kỹ thuật.
Có thể hàng rào thuế quan sẽ được dỡ bỏ, các quy trình thủ tục sẽ được đơn giản hóa nhưng vẫn còn những hàng rào kỹ thuật về chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm. Vì thế, các DN phải đảm bảo điều kiện cũng như quy trình sản xuất về chất lượng sản phẩm, môi trường, an toàn thực phẩm giữ được chỗ đứng bền vững trong chuỗi cung ứng.
Với các thị trường mới, cơ quan quản lý phải có hướng dẫn để cung cấp thông tin đầy đủ cho DN trong việc tiếp cận thị trường mới, trong đó chú trọng đến những thông tin mang tính đặc thù liên quan đến tập quán, văn hóa, những yếu tố thị trường.
Trong bối cảnh chúng ta đang hội nhập rất nhanh thì bên cạnh việc dỡ bỏ hàng rào thuế quan thì việc tăng cường hàng rào phi thuế quan, đặc biệt là hàng rào kỹ thuật cũng được các nước tăng cường sử dụng. Chính vì vậy, việc phối hợp giữa cơ quan nhà nước về mặt chính sách với DN để giải quyết khó khăn về hàng rào phi thuế quan, tránh được những tranh chấp thương mại, những vụ kiện thương mại là là những nội dung sống còn đối với DN trong công cuộc hội nhập.
Xin cảm ơn ông!
Phan Trang
Chinhphu.vn