Ngày 15/02/2019, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã ký ban hành Đạo luật số 11203 (Republic Act N. 11203) chuyển đổi cơ chế hạn ngạch sang cơ chế thuế hóa đối với việc nhập khẩu mặt hàng gạo. Đạo luật này có tên đầy đủ là “Luật về tự do hóa nhập khẩu, xuất khẩu và thương mại mặt hàng gạo, nhằm dỡ bỏ cơ chế hạn ngạch đối với việc nhập khẩu mặt hàng gạo và thực hiện những mục đích khác”. Luật số 11203 có hiệu lực từ ngày 05/3/2019.
Ngày 05/4/2019, Thông tư liên ngành số 01-2019 (Joint Memorandum Circular No. 01-2019) về việc hướng dẫn thi hành Luật số 11203 chính thức được ban hành vào ngày 05/4/2019 (do Bộ Nông nghiệp, Cơ quan Kinh tế và Phát triển Quốc gia (NEDA) và Bộ Ngân sách Philippines phối hợp ban hành).
Dưới đây là những thông tin cập nhật về quy định liên quan đến nhập khẩu gạo của Philippines:
Philippines thay thế cơ chế quản lý hạn ngạch nhập khẩu gạo bằng thuế nhập khẩu gạo
Luật số 11203 xóa bỏ hoàn toàn quy định về hạn ngạch nhập khẩu áp dụng đối với mặt hàng gạo, thay vào đó quy định các mức thuế nhập khẩu gạo như sau:
(i) Thuế suất đối với gạo nhập khẩu từ các nước trong ASEAN là 35%.
(ii) Thuế suất nhập khẩu trong hạn mức tiếp cận tối thiểu (Mimimum Access Volume - MAV) 350.000 tấn đối với gạo nhập khẩu từ các nước ngoài ASEAN và là thành viên của WTO (áp dụng thuế MFN) là 40%.
(iii) Thuế suất ngoài hạn mức tiếp cận tối thiểu (MAV) 350.000 tấn đối với gạo nhập khẩu từ các nước ngoài ASEAN và là thành viên của WTO (áp dụng thuế MFN) là 180%.
Trong trường hợp trong nước xảy ra tình trạng thiếu lương thực, Ủy ban Quản lý MAV của Philippines có thể đề nghị Tổng thống điều chỉnh lại hạn mức tiếp cận tối thiểu nêu trên.
Vai trò của Cơ quan Lương thực quốc gia Philippines (NFA)
Với việc ban hành Luật số 11203, NFA chỉ còn chức năng dự trữ gạo quốc gia. NFA sẽ không còn chức năng quản lý và điều tiết đối với việc nhập khẩu, xuất khẩu và thương mại sản phẩm lương thực (gạo, ngô và các loại hạt sử dụng làm lương thực khác) như trực tiếp nhập khẩu gạo; cấp phép nhập khẩu, xuất khẩu gạo; cấp phép cho các hoạt động kinh doanh gạo trong nước... Bộ Nông nghiệp Philippines sẽ có văn bản quy định lại hoạt động kinh doanh gạo trong nước và quốc tế theo Thông tư nói trên.
Hoạt động thương mại, xuất khẩu, nhập khẩu gạo không cần giấy phép của NFA từ ngày 05/3/2019
Quy định mới có hiệu lực từ ngày 05/3/2019 bãi bỏ các giấy phép, giấy đăng ký do NFA cấp cho các nhà nhập khẩu, các doanh nghiệp thương mại, các công ty kinh doanh kho chứa, các nhà bán buôn, bán lẻ và các tổ chức liên quan khác có hoạt động liên quan đến mặt hàng gạo có. Các cơ quan Chính phủ (Hải quan, Bộ Nông nghiệp, Cục Thực vật) phải xóa bỏ các loại giấy phép do NFA cấp trong danh mục hồ sơ yêu cầu đối với hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu gạo.
Như vậy, có thể hiểu là các hợp đồng nhập khẩu gạo phát sinh sau ngày 05/3/2019 sẽ không cần có giấy phép của NFA mà chỉ cần có Giấy chứng nhận vệ sinh và kiểm dịch thực vật do Cục Thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp Philippines cấp để được thông quan.
Giấy chứng nhận vệ sinh và kiểm dịch thực vật
Các nhà nhập khẩu gạo phải có Giấy chứng nhận vệ sinh và kiểm dịch thực vật (Sanitary and Phytosanitary Import Clearance) do Cục Thực vật Philippines (Bureau of Plant Industry – BPI) cấp trước khi nhập khẩu. Gạo nhập khẩu phải được giao trước khi Giấy chứng nhận vệ sinh và kiểm dịch thực vật hết hạn. Đồng thời, BPI phải công bố và cập nhật danh sách các nhà nhập khẩu đã được cấp Giấy chứng nhận vệ sinh và kiểm dịch thực vật trên website của mình bao gồm cả thông tin về khối lượng nhập khẩu
Ngoài ra, quy định mới về nhập khẩu gạo của Philippines cho phép áp dụng thuế tự vệ đặc biệt đối với mặt hàng gạo trong trường hợp cần thiết.
Theo các nhà phân tích, quy định nhập khẩu gạo mới của Philippines sẽ giúp nước này giải quyết tình trạng giá cả mặt hàng gạo tăng cao trong thời gian vừa qua và giảm lạm phát. Bộ Tài chính và Ngân hàng Trung ương Philippines trước đó cho rằng Luật mới sẽ giảm giá gạo khoảng 7 Pesos/kg và góp phần giảm khoảng 0,6% lạm phát của Philippines (mức lạm phát năm 2018 của Philippines năm 2018 là 5,2%). Một số nghiên cứu đã chỉ ra khoảng 20,2% chi tiêu của các hộ nghèo của Philippines. Do vậy, giá cả mặt hàng gạo có ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống người dân, đặc biệt là các hộ nghèo của Philippines.
Việc loại bỏ cơ chế hạn ngạch, thay bằng thuế nhập khẩu cũng sẽ làm tăng lượng gạo nhập khẩu vào Philippines với giá thành thấp hơn trước, do đó cũng tạo áp lực cho ngành gạo nước này, ít nhất là trong giai đoạn đầu áp dụng Luật. Ước tính khoảng 500.000 trong tổng số 2,4 triệu nông dân sản xuất gạo của Philippines sẽ bị ảnh hưởng bởi quy định mới về nhập khẩu gạo.
Việc cho phép khối tư nhân Philippines được tự do nhập khẩu sẽ tạo nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam về tiếp cận thị trường gạo Philippines, đồng thời có sự chủ động hơn trong hoạt động xuất khẩu gạo, phát triển thị trường Philippines.
Một lợi thế khác là gạo nhập khẩu từ Việt Nam sẽ được hưởng mức thuế suất 35% (áp dụng cho các nước trong ASEAN), thấp hơn so với thuế nhập khẩu đối với gạo từ các nước ngoài ASEAN.
Tuy nhiên, cạnh tranh cũng sẽ gay gắt hơn. Trước đây, trong số các nước xuất khẩu gạo lớn trên thế giới, gần như chỉ có gạo của Việt Nam và Thái Lan được nhập khẩu qua cơ chế hạn ngạch. Với quy định mới này, cơ hội tiếp cận thị trường Philippines là như nhau giữa các nước xuất khẩu gạo.
Nguồn thông tin (tổng hợp từ các nguồn khác nhau, trong đó có thông tin chính thức của Philippines):
- https://www.officialgazette.gov.ph/downloads/2019/02feb/20190214-RA-11203-RRD.pdf
- http://www.neda.gov.ph/wp-content/uploads/2019/04/IRR-of-RA-No.-11203-or-the-Rice-Liberalization-Act-RLA_signed.pdf
Nguồn: Vụ Thị trường Châu Á – Châu Phi (Bộ Công Thương)