Theo Bộ Tài chính, thời gian qua, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại đối với mặt hàng xe ô tô có chiều hướng gia tăng với những diễn biến phức tạp nhất là về nguồn gốc xuất xứ và chất lượng xe ô tô, dẫn đến mất bình đẳng trong cạnh tranh, ảnh hưởng tới môi trường kinh doanh, quyền lợi người tiêu dùng và uy tín của hãng xe.
Để kịp thời ngăn chặn và khắc phục tình trạng đó, đòi hỏi phải sớm có biện pháp quản lý chặt chẽ về nguồn gốc xuất xứ và chất lượng đối với xe ô tô nhập khẩu từ trong thông quan đến sau thông quan. Bộ Tài chính cũng đã có công văn yêu cầu cơ quan hải quan tăng cường biện pháp quản lý đối với xe ô tô nhập khẩu, trong đó có biện pháp quản lý, kiểm tra xuất xứ, theo hướng: đối với xe ô tô nhập khẩu (trừ xe ô tô nhập khẩu của đối tượng ưu đãi, miễn trừ ngoại giao) phải nội giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) tại thời điểm làm thủ tục hải quan và yêu cầu hải quan phải kiểm tra chặt chẽ đối với C/O để làm cơ sở xác định nguồn gốc xuất xứ xe ô tô nhập khẩu và làm căn cứ tính thuế đối với xe ô tô nhập khẩu.
Bộ Tài Chính khẳng định, Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) không chỉ là chứng từ để cơ quan hải quan quản lý về thuế mà còn là chứng từ quan trọng để chứng minh nguồn gốc, xuất xứ xe, qua đó kiểm soát chất lượng xe ô tô nhập khẩu.
Trước đó, ngày 22/11/2016, tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư, trong đó đã quy định ngành nghề sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô thuộc danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Chính vì vậy, Bộ Tài chính cho rằng, Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa có vai trò đặc biệt quan trọng, cần được bổ sung trong các văn bản quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu và trong hồ sơ đăng ký kiểm tra chất lượng xe ô tô nhập khẩu tại các văn bản quản lý về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu để làm cơ sở cho việc kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ ô tô nhập khẩu, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.
Nguồn: moit.gov.vn