Ngày 29/5, Quốc hội nghe tờ trình và thảo luận về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Thay mặt cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết dự luật lần này quy định mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ trong các trường hợp đặc biệt tăng thêm 100 giờ mỗi năm so với hiện hành (từ tối đa 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm).
Theo lý giải của Chính phủ, việc này nhằm đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và nhu cầu của một bộ phận người lao động.
Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. Ảnh: Minh Quân.
“Mức giờ tăng thêm là tương đối phù hợp xét trên tổng hòa các yếu tố về điều kiện kinh tế - xã hội; tính cạnh tranh của thị trường lao động và thu hút đầu tư; nhu cầu doanh nghiệp và nhu cầu, sức khỏe cùng yêu cầu bảo vệ tiền lương của người lao động”, Bộ trưởng Dung nói.
Mức tăng giờ làm thêm này cũng chỉ áp dụng đối với một số ngành nghề nhất định và vào các thời điểm nhất định.
Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh (đại diện cơ quan thẩm tra) thì cho rằng đề xuất chính sách này cần được xem xét thấu đáo, thận trọng.
Theo đó, phải cân đối giữa các yếu tố tiền lương, thời giờ làm việc - nghỉ ngơi, an toàn lao động... Đặc biệt, bảo đảm việc làm bền vững và hài hòa lợi ích giữa các bên trong quan hệ lao động, hướng tới việc chấm dứt “nhân công giá rẻ”, “lương không đủ sống”.
Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ tác động của chính sách này.
Trước thực tế có ý kiến cho rằng việc tăng giờ làm thêm ảnh hưởng tới sức khỏe và có thể gây ra thiếu việc làm, do doanh nghiệp không muốn tuyển lao động mới mà huy động người lao động hiện có làm thêm giờ, Bộ trưởng Lao động Đào Ngọc Dung nhấn mạnh luật quy định rõ 4 vấn đề để khắc phục những tác động tiêu cực này.
Thứ nhất, thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện, chỉ khi người lao động đồng ý thì doanh nghiệp mới được huy động làm thêm giờ.
Thứ hai, bảo đảm tổng số giờ làm việc trong một ngày không quá 12 giờ kể cả làm bình thường và làm thêm giờ.
Thứ ba, trả lương cao hơn, ít nhất bằng 150% nếu làm thêm giờ vào ngày thường, 200% vào ngày nghỉ hàng tuần và 300% nếu làm thêm vào ngày nghỉ lễ, Tết.
“Ngoài ra, dự thảo cũng bổ sung quy định hai bên thỏa thuận trả lương lũy tiến cao hơn mức trên để bảo đảm ổn định và phát triển của doanh nghiệp cũng như bảo vệ quyền lợi tiền lương của người lao động”, Bộ trưởng Lao động nhấn mạnh.
Thứ tư, nghị định quy định chi tiết của Chính phủ sẽ quy định 3 nguyên tắc tổ chức làm thêm quá 200 giờ.
Trước hết, doanh nghiệp phải thông báo và được chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh.
Doanh nghiệp không được huy động người lao động làm thêm giờ trong thời gian dài liên tục và phải bố trí thời gian nghỉ giải lao hợp lý.
Bên cạnh đó, quy định rõ các ngành nghề được mở rộng khung thỏa thuận làm thêm và các ngành nghề sản xuất có tính thời vụ.

Không quy định cứng việc điều chỉnh giờ làm

Về quy định giờ làm việc của công chức, Bộ trưởng Lao động Đào Ngọc Dung cho rằng hiện đã đi vào nề nếp, muốn điều chỉnh phải có một quyết tâm chính trị rất cao. 
Ông cũng cho rằng cần có cách nhìn nhận đầy đủ hơn, các nước hiện cũng đều có xu hướng điều chỉnh giờ làm việc để đảm bảo thông suốt, đồng bộ trong các cơ quan công quyền, nhằm phục vụ người dân tốt hơn. 
Với lý lẽ ấy, lần này Chính phủ đề xuất phương án “mềm”, linh hoạt hơn khi điều chỉnh giờ làm. Theo đó, Chính phủ sẽ quy định nguyên tắc, còn từng địa phương căn cứ vào vùng miền, thời tiết, khí hậu… để điều chỉnh, quyết định nhằm đáp ứng công việc.
 “Chính phủ sẽ không quá cứng nhắc. Miễn là chúng ta nâng cao được chất lượng phục vụ của bộ máy công quyền”, Bộ trưởng Dung nhấn mạnh.

Nguồn: News.zing.vn