Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam không được góp vốn vào ngân hàng

Theo Thông tư 134/2016/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 1/11/2016, khi đầu tư vốn ra ngoài, Công ty trách nhiệm hữu hạn Mua bán nợ Việt Nam không được góp vốn hoặc đầu tư trực tiếp vào lĩnh vực bất động sản; không được góp vốn, mua cổ phần tại ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán hoặc công ty đầu tư chứng khoán, trừ trường hợp góp vốn thông qua hoạt động tái cơ cấu doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thực hiện sắp xếp, chuyển đổi sở hữu hoặc đầu tư nâng cấp tài sản tiếp nhận, tài sản nhận thay thế nghĩa vụ trả nợ để khai thác, thu hồi…

Bên cạnh đó, Công ty còn được quyền chủ động sử dụng vốn để phục vụ hoạt động kinh doanh theo nguyên tắc có hiệu quả, bảo toàn, phát triển vốn và phù hợp với quy định của pháp luật. Trong đó, sử dụng vốn để mua nợ, tài sản cho mục đích kinh doanh phù hợp với quy định của pháp luật; ưu tiên phục vụ quá trình tái cơ cấu, sắp xếp, chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp Nhà nước. Việc sử dụng vốn để thực hiện các nhiệm vụ theo chỉ định của cấp có thẩm quyền phải phù hợp với ngành nghề kinh doanh của công ty. Việc sử dụng vốn để đầu tư, mua sắm tài sản cố định phục vụ hoạt động của Công ty phải đảm bảo: Trang bị phù hợp với nhu cầu; Tuân thủ các quy định hiện hành về đầu tư xây dựng cơ bản và mua sắm tài sản cố định; Hạch toán theo dõi tài sản đầu tư, mua sắm theo quy định…

DN cổ phần hóa phải công bố kết quả bán đấu giá cổ phần lần đầu

Ngày 30/06/2016, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 115/2016/TT-BTC quy định, khi doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thực hiện chuyển đổi thành công ty cổ phần đăng ký bán đấu giá cổ phần lần đầu qua Sở Giao dịch chứng khoán phải đồng thời thực hiện việc đăng ký, lưu ký và đăng ký giao dịch cổ phần.

Đồng thời nhấn mạnh, trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn thanh toán tiền mua cổ phần trúng đấu giá, doanh nghiệp cổ phần hóa phải báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và công bố thông tin về kết quả bán cổ phần kèm theo xác nhận của ngân hàng thương mại nơi mở tài khoản phong tỏa về số tiền thu được từ đợt đấu giá. Cổ phần sẽ được đưa vào giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCOM trong 7 ngày làm việc kể từ ngày Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội nhận được thông báo xác nhận kết quả bán đấu giá của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; giá tham chiếu cho ngày giao dịch đầu tiên trên UPCOM được xác định trên cơ sở giá thanh toán bình quân.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/11/2016.

Nhiều chính sách hỗ trợ bảo vệ, phát triển rừng

Một số chính sách bảo vệ, phát triển rừng và đầu tư hỗ trợ kết cấu hạ tầng, giao nhiệm vụ công ích đối với các công ty nông, lâm nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 14/09/2016 kèm theo Quyết định 38/2016/QĐ-TTg.

Trong đó, đáng chú ý là các chính sách về hỗ trợ trồng rừng sản xuất, trồng cây phân tán và khuyến lâm; hỗ trợ đầu tư trồng và quản lý rừng giống, vườn giống; hỗ trợ đầu tư vườn ươm giống… Cụ thể, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng trồng rừng trên đất trống, đồi núi trọc được quy hoạch là rừng sản xuất được hỗ trợ 8 triệu đồng/ha nếu trồng các loại cây sản xuất gỗ lớn (khai thác sau 10 năm tuổi), cây đa mục đích, cây bản địa; 5 triệu đồng/ha với các loài cây sản xuất gỗ nhỏ (khai thác trước 10 năm tuổi) và cây phân tán (quy đổi 1.000 cây/ha); riêng với các xã biên giới, các tỉnh Sơn Lai, Lai Châu, Điện Biên và các tỉnh vùng Tây Nguyên được hỗ trợ thêm 2 triệu đồng/ha.

Mức chi hỗ trợ cho công tác khuyến lâm; khảo sát, thiết kế, ký kết hợp đồng trồng rừng và mức hỗ trợ một lần cấp chứng chỉ rừng bền vững cho các doanh nghiệp, cộng đồng, nhóm hộ, hộ gia đình lần lượt là 500.000 đồng/ha/4 năm (1 năm trồng và 3 năm chăm sóc); 300.000 đồng/ha và 70% chi phí, tối đa không quá 300.000 đồng/ha quy mô tối thiểu 100 ha trở lên…

Quyết định này có hiệu lực từ ngày 1/11/2016.

Định mức tiêu hao năng lượng trong sản xuất bia

Có hiệu lực từ ngày 1/11/2016, Thông tư 19/2016/TT-BCT quy định định mức tiêu hao năng lượng trong ngành công nghiệp sản xuất bia và nước giải khát trong giai đoạn đến hết năm 2020 và giai đoạn từ năm 2021 đến hết năm 2025.

Cụ thể, đến hết năm 2020, định mức tiêu hao năng lượng đối với ngành công nghiệp sản xuất bia có quy mô công suất dưới 20 triệu lít; từ 20 triệu lít đến 100 triệu lít và trên 100 triệu lít lần lượt là 306 MJ/hl; 215 MJ/hl và 140 MJ/hl. Đối với ngành công nghiệp sản xuất nước giải khát có ga hoặc cả hai loại sản phẩm có ga và không có ga, định mức tiêu hao năng lượng là 55 MJ/hl; 111 MJ/hl nếu chỉ sản xuất nước giải khát không có ga (trừ nước tinh khiết và nước khoáng).

Giai đoạn từ năm 2021 đến hết năm 2025, định mức tiêu hao năng lượng đối với ngành công nghiệp sản xuất bia dưới 20 triệu lít; từ 20 triệu lít đến 100 triệu lít; trên 100 triệu lít và ngành công nghiệp sản xuất nước giải khát không có ga; có ga hoặc cả hai loại sản phẩm có ga và không có ga lần lượt là 286 MJ/hl; 196 MJ/hl; 129 MJ/hl và 107 MJ/hl; 52 MJ/hl.

Cơ sở không đạt định mức tiêu hao năng lượng tại thời điểm quy định và không đưa ra được các kế hoạch khả thi để đảm bảo các định mức theo lộ trình nêu trên sẽ bị xử phạt theo quy định hiện hành.

Đánh giá định kỳ học sinh tiểu học theo 3 mức

Từ 6/11/2016, sẽ đánh giá định kỳ học sinh tiểu học vào giữa học kỳ I, cuối học kỳ I, giữa học kỳ II và cuối năm học theo 3 mức Hoàn thành tốt, Hoàn thành và Chưa hoàn thành thay vì 02 mức như trước; trong đó mức Hoàn thành tốt là thực hiện tốt các yêu cầu học tập của môn học hoặc hoạt động giáo dục; Hoàn thành là thực hiện được các yêu cầu học tập của môn học hoặc hoạt động giáo dục; Chưa hoàn thành là chưa thực hiện được một số yêu cầu học tập của môn học hoặc hoạt động giáo dục.

Cũng từ ngày 6/11/2016, học sinh lớp 4, 5 sẽ có thêm bài kiểm tra định kỳ môn Tiếng Việt, Toán vào giữa học kì I và giữa học kỳ II. Điểm các bài kiểm tra định kì không dùng để so sánh học sinh này với học sinh khác; nếu kết quả bài kiểm tra cuối học kỳ I và cuối năm học bất thường so với đánh giá thường xuyên, giáo viên đề xuất với nhà trường có thể cho học sinh làm bài kiểm tra khác để đánh giá đúng kết quả học tập của học sinh.

Trên đây là những nội dung đáng chú ý của Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT, có hiệu lực từ ngày 6/11/2016.

Không miễn, giảm tiền thuê đất trong trường hợp đấu giá QSD đất để cho thuê

Có hiệu lực từ ngày 15/11/2016, Nghị định 135/2016/NĐ-CP quy định không áp dụng miễn, giảm tiền thuê đất trong trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất để cho thuê.

Tương tự, không áp dụng miễn, giảm tiền sử dụng đất trong trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất đối với trường hợp người trúng đấu giá thuộc đối tượng được miễn, giảm tiền sử dụng đất. Việc miễn, giảm tiền sử dụng đất khi giao đất cho các đối tượng thuộc diện chính sách cải thiện nhà ở được thực hiện theo quy định có liên quan và không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất.

Cũng theo Nghị định này, từ ngày 15/11/2016, giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất từ 30 tỷ đồng trở lên đối với các thành phố trực thuộc Trung ương; 10 tỷ đồng trở lên với các tỉnh miền núi, vùng cao và từ 20 tỷ đồng với các tỉnh còn lại sẽ do Sở Tài nguyên và Môi trường xác định.

Bán nhà ở xã hội phải nộp từ 50% tiền sử dụng đất cho Nhà nước

Đây là nội dung đáng chú ý tại Thông tư 139/2016/TT-BTC, có hiệu lực từ ngày 15/11/2016.

Cụ thể, khi được phép bán lại nhà ở xã hội là căn hộ nhà chung cư, người bán phải nộp cho ngân sách Nhà nước 50% tiền sử dụng đất được phân bổ cho căn hộ đó; 100% tiền sử dụng đất nếu nhà ở xã hội là nhà ở thấp tầng liền kề.

Bên cạnh đó, Thông tư cũng có quy định chi tiết về việc miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với các dự án xây dựng nhà ở xã hội không sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Theo đó, miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với toàn bộ diện tích đất đã được Nhà nước giao, cho thuê để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, bao gồm cả quỹ đất để đầu tư xây dựng công trình kinh doanh thương mại đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong phạm vi dự án xây dựng nhà ở xã hội; miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất với toàn bộ diện tích đất để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội sử dụng quỹ đất 20% của các dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án đầu tư phát triển đô thị, bao gồm cả phần diện tích đất 20% để đầu tư xây dựng công trình kinh doanh thương mại được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong phạm vi dự án xây dựng nhà ở xã hội…

Cấp phép điện tử cho tàu thuyền nhập cảnh cảng biển trong 30 phút

Theo Quyết định 34/2016/QĐ-TTg, chậm nhất 02 giờ trước giờ dự kiến đến cửa khẩu, phương tiện thủy nội địa Việt Nam, Campuchia nhập cảnh tại cảng biển, cảng thủy nội địa Việt Nam phải nộp chứng từ điện tử qua Cổng thông tin một cửa quốc gia. Chậm nhất 30 phút từ khi hoàn thành các thủ tục khai báo điện tử và xuất trình đầy đủ các giấy tờ theo quy định, cảng vụ sẽ cấp Giấy phép điện tử cho phương tiện vào cảng thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia.

Tương tự đối với trường hợp xuất cảnh tại cảng biển, cảng thủy nội địa, chủ phương tiện hoặc người điều khiển phương tiện thủy nội địa Việt Nam, Campuchia phải nộp chứng từ điện tử chậm nhất 02 giờ trước khi rời cảng. Giấy phép điện tử sẽ được cấp cho phương tiện chậm nhất 30 phút kể từ khi hoàn thành các thủ tục khai báo điện tử và xuất trình đầy đủ các giấy tờ theo quy định. Trường hợp phương tiện đã được cấp phép rời cảng mà vẫn lưu lại tại cảng quá 24 giờ, phải làm lại thủ tục rời cảng theo quy định.

Đối với tàu biển nước ngoài quá cảnh, Thủ tướng quy định, phải cung cấp thông tin về bản khai an ninh chậm nhất 24 giờ trước khi tàu dự kiến đến cảng biển; thông báo tàu quá cảnh chậm nhất 12 giờ từ thời điểm tàu dự kiến đến khu neo đậu chờ quá cảnh; chậm nhất 02 giờ trước khi tàu dự kiến đến vùng đón trả hoa tiêu, phải xác báo tàu quá cảnh... Giấy phép quá cảnh điện tử sẽ được cấp chậm nhất 01 giờ kể từ khi người làm thủ tục hoàn thành thủ tục khai báo và gửi hồ sơ điện tử theo quy định.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày 15/11/2016.

Quy tắc xuất xứ trong Hiệp định thương mại Hàng hóa ASEAN

Ngày 03/10/2016, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 22/2016/TT-BCT thực hiện quy tắc xuất xứ trong Hiệp định thương mại Hàng hóa ASEAN.

Theo đó, hàng hóa nhập khẩu vào lãnh thổ của một nước thành viên từ một nước thành viên khác được coi là có xuất xứ và đủ điều kiện để được hưởng ưu đãi thuế quan khi có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của một nước thành viên xuất khẩu hoặc không có xuất xứ thuần túy hay không được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của một nước thành viên xuất khẩu, nhưng đáp ứng các điều kiện theo quy định.

Cũng theo Thông tư này, những công đoạn gia công chế biến như: Bảo đảm việc bảo quản hàng hoá trong tình trạng tốt khi vận chuyển hoặc lưu kho; Hỗ trợ cho việc gửi hàng hoặc vận chuyển; Đóng gói hoặc trưng bày hàng hóa để bán, khi được thực hiện riêng rẽ hoặc kết hợp với nhau, sẽ được xem là giản đơn và không được xét đến khi xác định xuất xứ hàng hoá tại một nước thành viên. Hàng hóa có xuất xứ của một nước thành viên vẫn giữ nguyên xuất xứ ban đầu cho dù nó được xuất khẩu từ một nước thành viên khác, nơi diễn ra các công đoạn gia công, chế biến đơn giản nêu trên.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/11/2016.

Những hành vi bị cấm trong lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án PPP

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư 15/2016/TT-BKHĐT ngày 29/09/2016 hướng dẫn lập hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (dự án PPP).

Trong đó đáng chú ý là quy định về các hành vi bị cấm trong đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án PPP. Cụ thể như: Tham dự thầu với tư cách là nhà đầu tư đối với dự án do mình làm bên mời thầu hoặc thực hiện các nhiệm vụ của bên mời thầu; Tham gia lập, đồng thời tham gia thẩm định hồ sơ mời thầu đối với cùng một dự án; Tham gia đánh giá hồ sơ dự thầu đồng thời tham gia thẩm định kết quả sơ tuyển, kết quả lựa chọn nhà đầu tư đối với cùng một dự án; Đưa, nhận, môi giới hối lộ; Thỏa thuận về việc rút khỏi việc dự thầu hoặc rút đơn dự thầu được nộp trước đó để một hoặc các bên tham gia thỏa thuận thắng thầu; Trình bày sai một cách cố ý hoặc làm sai lệch thông tin, hồ sơ, tài liệu của một bên trong đấu thầu nhằm thu được lợi ích tài chính hoặc lợi ích khác hoặc nhằm trốn tránh bất kỳ một nghĩa vụ nào…

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/11/2016.

Ngân hàng phải chuyển đổi hoạt động ngoại hối cơ bản trước tháng 11/2017

Theo Thông tư 28/2016/TT-NHNN, ngân hàng thương mại, công ty tài chính tổng hợp, công ty tài chính bao thanh toán, công ty tài chính tín dụng tiêu dùng, công ty cho thuê tài chính, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã được cấp phép thực hiện một hoặc một số hoạt động ngoại hối cơ bản trên thị trường trong nước, thị trường quốc tế phải thực hiện chuyển đổi sang Giấy phép thành lập và hoạt động hoặc Quyết định sửa đổi, bổ sung Giấy phép thành lập và hoạt động với nội dung kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối trên thị trường trong nước và/hoặc trên thị trường quốc tế trong phạm vi do Ngân hàng Nhà nước quy định; với các hoạt động khác, phải chuyển đổi sang văn bản chấp thuận có thời hạn.

Trong đó, thời gian thực hiện chuyển đổi đến ngày 31/10/2017; quá thời hạn này, ngân hàng thương mại, công ty tài chính tổng hợp, công ty tài chính bao thanh toán, công ty tài chính tín dụng tiêu dùng, công ty cho thuê tài chính, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép phải chấm dứt các hoạt động ngoại hối không thực hiện chuyển đổi hoặc không được chuyển đổi do không đáp ứng các điều kiện theo quy định.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 18/11/2016.

Chủ đầu tư phải cập nhật thông tin về dự án

Các thông tin về chương trình, dự án đầu tư có vốn Nhà nước phải được cập nhật vào Hệ thống thông tin nghiệp vụ tại địa chỉ https://dautucong.mpi.gov.vn trong 7 ngày kể từ ngày chương trình, dự án được phê duyệt đầu tư.

Đây là nội dung đáng chú ý tại Thông tư 13/2016/TT-BKHĐT quy định về chế độ báo cáo trực tuyến và quản lý vận hành Hệ thống thông tin về giám sát, đánh giá đầu tư chương trình dự án đầu tư sử dụng vốn Nhà nước, có hiệu lực từ ngày 20/11/2016.

Cũng theo Thông tư này, trong quá trình thực hiện chương trình, dự án đầu tư, chậm nhất là 7 ngày làm việc kể từ khi có điều chỉnh hoặc phát sinh, phải cập nhật các thông tin: Phê duyệt điều chỉnh dự án; Phê duyệt, điều chỉnh thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công và dự toán; Phê duyệt, điều chỉnh kế hoạch, kết quả lựa chọn nhà thầu; Hợp đồng, điều chỉnh hợp đồng; Kế hoạch vốn được cấp; Giá trị nghiệm thu, giá trị giải ngân; Thông tin về đánh giá, kiểm tra… Ngoài ra, các thông tin phải cập nhật định kỳ hằng tháng bao gồm: Khối lượng thực hiện tại hiện trường; Thông tin hình ảnh hoặc phim về hiện trạng thi công tại hiện trường đối với dự án có cấu phần xây dựng.

Phải công khai thông tin chương trình mục tiêu quốc gia

Quy chế quản lý, điều hành thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 41/2016/QĐ-TTg, trong đó, yêu cầu chủ chương trình, cơ quan chủ trì dự án thành phần và các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phải công khai thông tin về chương trình mục tiêu quốc gia theo chức năng, nhiệm vụ theo một hoặc một số hình thức như: Phát hành văn bản đến cơ quan liên quan; Đăng trên Cổng thông tin điện tử của các cơ quan liên quan; Thông báo trên phương tiện đại chúng.

Nội dung công khai thông tin bao gồm: Quyết định đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia trong từng giai đoạn; Tiêu chí, định mức phân bổ kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia; Các chỉ tiêu kế hoạch thực hiện chương trình giai đoạn 5 năm và hàng năm ở mỗi cấp; Kết quả thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm, các vụ tiêu cực, tham nhũng của cán bộ, công chức tham gia quản lý, điều hành và thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia; Các ý kiến phản hồi từ nhân dân và kết quả xử lý ý kiến phản hồi…

Quyết định này có hiệu lực từ ngày 25/11/2016.

Nguồn: doanhnghiepvn.vn