Thời gian qua, các doanh nghiệp thường than phiền không thể tiếp cận được chính sách hỗ trợ tài chính vì phải đáp ứng ứng nhiều điều khoản khắt khe trong Nghị định 210, nhưng nút thắt ấy sẽ được mở theo hướng giảm dần các điều kiện trên. Hiện tại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến cho dự thảo sửa đổi Nghị định 210/2013/NĐ-CP cho việc xây dựng nghị định về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, với nhiều chính sách ưu đãi khi đầu tư vào nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao theo hướng nâng số tiền hỗ trợ, giảm bớt điều kiện...
Cụ thể, nếu như ở Điều 14 của Nghị định 210 về hỗ trợ đầu tư cơ sở chế biến cà phê theo phương pháp ướt sẽ hỗ trợ 3 ti đồng/dự án, nay trong dự thảo con số này được nâng lên 5 tỉ đồng.
Tương tự ở Điều 12 của Nghị định 210, phần hỗ trợ trồng cây dược liệu, cây mắc ca (macadamia) nếu trước đó, doanh nghiệp phải có quy mô 500.000 cây trồng/năm trở lên mới được hỗ trợ tài chính, nay trong dự thảo chỉ cần quy mô 100.000 cây trồng/năm là được hỗ trợ 1 tỉ đồng.
Ở điều khoản hỗ trợ đầu tư cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, dự thảo nghị định đưa ra hai điều khoản để lấy ý kiến là doanh nghiệp chỉ cần có quy mô tối thiểu 200 con gia súc hoặc 2.000 con gia cầm hoặc 100 gia súc và 1.000 con gia cầm là được nhận hỗ trợ.
Như vậy, nếu so với quy định liên quan ở Điều 10 Nghị định 210 đang có hiệu lực hiện nay, số đầu gia súc, gia cầm để nằm trong điều kiện nhận hỗ trợ đã giảm một nửa so với ban đầu. Do đó, việc thay đổi này sẽ giúp doanh nghiệp dễ dàng nhận được những hỗ trợ tài chính cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Ngoài ra, trong dự thảo lần này, ban soạn thảo còn đưa thêm danh mục hỗ trợ đặc biệt cho nghiên cứu, chuyển giao, áp dụng khoa học công nghệ. Điều khoản hoàn toàn mới, vừa được đưa vào trong lần lấy ý kiến cho dự thảo này. Một thay đổi nữa được đưa vào dự thảo nghị định là điều khoản hỗ trợ tích tụ đất đai, thay cho Điều 7 trong Nghị định 210 là hỗ trợ thuê đất, thuê mặt nước của hộ gia đình, cá nhân.
Tích tụ ruộng đất là một cụm từ được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong thời gian qua. Theo ý kiến của các chuyên gia, ngành nông nghiệp Việt Nam đã phát triển đến ngưỡng của nó, do đó, muốn ngành nông nghiệp đi theo hướng hiện đại, tạo ra giá trị gia tăng cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp tích tụ ruộng đất. Đây cũng là một trong những lý do để cơ quan quản lý lấy ý kiến cho một nghị định mới thay thế Nghị định 210 vốn đang bộc lộ những hạn chế sau khi có hiệu lực thực hiện.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vì những hạn chế trong Nghị định 210 nên sau 3 năm có hiệu lực (từ năm 2015) tổng kinh phí hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho các địa phương thực hiện nghị định là 279,5 tỉ đồng/tổng số 379,5 tỉ đồng cam kết hỗ trợ theo các văn bản thẩm định nguồn vốn và cân đối vốn ngân sách trung ương, tương đương chỉ đạt gần 74% kế hoạch.
Theo tờ trình lên Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị tên gọi nghị định là “Nghị định của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn”, trong đó có bãi bỏ hiệu lực Nghị định 210. Do vậy, nếu một khi nghị định mới được Chính phủ thông qua, doanh nghiệp sẽ được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ hơn khi đầu tư vào nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao.
Nguồn: thesaigontimes.vn