Sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) có hiệu lực vào tháng 12/2015, đà tăng trưởng kim ngạch thương mại hai nước đã có những bước tăng trưởng ấn tượng, trong đó nhóm mặt hàng nông sản đã có sự tăng trưởng khá.

Tuy nhiên, Hàn Quốc cũng là thị trường áp dụng các tiêu chuẩn cao về kiểm dịch động thực vật và thực phẩm nhập khẩu. Từ ngày 1/1/2017, Hàn Quốc đã tiến hành áp dụng cơ chế mới về quản lý danh mục thuốc bảo vệ thực vật có trong quả hạt có dầu và hoa quả nhiệt đới. Chính vì thế,thời gian qua đã có không ít doanh nghiệp (DN) xuất khẩu của Việt Nam đã gặp phải khó khăn trong việc đáp ứng các yêu cầu về kiểm dịch của Hàn Quốc.

Ông Lee Soon-Ho, Đại diện Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc thông tin, Hệ thống Danh mục Hợp quy của Hàn Quốc bao gồm 370 loại thuốc bảo vệ thực vật sẽ chịu sự kiểm tra chuyên sâu tại cảng nhập khẩu được chỉ định của Hàn Quốc, trong đó có gần 140 loại thuốc hiện chưa có tiêu chuẩn an toàn về dư lượng tại Hàn Quốc.

Do đó, các DN xuất khẩu của Việt Nam cần hết sức lưu tâm đến Hệ thống này, vì chỉ có các loại thuốc bảo vệ thực vật đã có tiêu chuẩn an toàn về dư lượng mới được nhập khẩu vào Hàn Quốc. Đặc biệt, DN cần đặc biệt lưu tâm về chủng loại cũng như dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong top 20 sản phẩm nông sản Việt Nam xuất sang Hàn Quốc.

Nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc phải chịu sự kiểm tra khắt khe về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

“DN Việt Nam cần nhanh chóng rà soát hàng trái cây xuất khẩu xem có sử dụng loại thuốc bảo vệ thực vật nào chưa có tiêu chuẩn an toàn về dư lượng tại Hàn Quốc. Khi đã xác định được, doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu cần nộp hồ sơ đăng ký tiêu chuẩn an toàn về dư lượng đến Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc, để loại thuốc bảo vệ thực vật đang sử dụng được xem xét tiêu chuẩn hóa”, ông Lee Soon-Ho khuyến cáo.

Là đại diện cho nhiều DN chuyên về xuất khẩu, ông Nguyễn Viết Vinh, Tổng Thư ký Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa) chia sẻ kinh nghiệm, các DN xuất khẩu của Việt Nam cần lưu ý với những cảnh báo của các thị trường nhập khẩu, trong đó có thị trường Hàn Quốc. Các DN cần có sự chủ động liên hệ với các cơ quan quản lý nhà nước để có được những cảnh báo, đặc biệt là dư lượng hóa chất. “Đây là vấn đề được Hiệp hội hết sức quan tâm và đã có thông báo cho các hội viên để tham dự các hội thảo giới thiệu chính sách từ phía các thị trường”, ông Vinh nói.

Để kịp thời hỗ trợ các DN xuất khẩu nông sản Việt Nam vào thị trường Hàn Quốc, ông Lê An Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương) cho rằng, các DN sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu của Việt Nam cần kịp thời cập nhật được cơ chế chính sách, quy trình, quy định từ phía Hàn Quốc, từ đó có thể chuẩn bị trước thấu đáo và xác đáng, không bị tác động một cách tiêu cực đối với quá trình kiểm soát thị trường và giám sát hàng hóa nông sản nhập khẩu của Hàn Quốc.

“Nhiều thị trường nhập khẩu hiện nay đang có xu hướng bảo hộ, dựng rào cản kỹ thuật để bảo vệ thị trường. Việc chủ động tìm hiểu các thông tin về chính sách nhập khẩu hàng hóa của Hàn Quốc, trong đó có hàng nông sản hoàn toàn phụ thuộc vào phía các DN. Khi DN đồng hành cùng các cơ quan quản lý để làm rõ được những quy định, những yêu cầu từ phía các đối tác sẽ tháo gỡ vướng mắc, tìm biện pháp vượt qua những rào cản”, ông Hải chỉ rõ.

Làm rõ hơn việc Hàn Quốc áp dụng tiêu chuẩn về mức dư lượng của hóa chất nông dược đối với các sản phẩm nông sản nhập khẩu, ông Lê Thanh Hòa, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam – Cục Chế biến phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, bất kỳ sản phẩm nông sản hàng hóa nào cũng cần phải nghiên cứu những bộ thuốc sử dụng đối với sản phẩm, làm giảm thiểu tối đa  dư lượng còn tồn đọng trên sản phẩm đó. Đồng thời xem xét thời gian cách ly của từng loại thuốc để đảm bảo không để lại dư lượng trên các sản phẩm.

 “Chính sách của Hàn Quốc sẽ thay đổi nhận thức cho các cơ quan quản lý cũng như các DN sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam. Khi Hàn Quốc áp dụng chính sách này sẽ có ảnh hưởng nhất định đến việc xuất khẩu nông sản, thực phẩm. Do đó, Việt Nam phải có chương trình giám sát, đảm bảo quá trình chế biến sản phẩm đảm bảo được yêu cầu của nước nhập khẩu, đặc biệt là thị trường Hàn Quốc”, ông Hòa lưu ý.

Hiện nay, Việt Nam là nước xuất khẩu nông sản lớn. Để tăng số lượng cũng như tăng chất lượng sản phẩm rất cần hệ thống sản xuất nông sản bền vững. Việc đáp ứng được các quy chuẩn an toàn thực phẩm của các thị trường nhập khẩu là vấn đề tất yếu, bởi nếu không vượt qua được rào cản này, hàng hóa, nông sản xuất khẩu của Việt Nam sẽ mất đi tính cạnh tranh của mình, cũng như mất đi thị trường trong tương lai.

Nguồn: VOV.vn